Friday, April 27, 2018

Wealth vs Income


Giá trị tài sản tăng nhanh hơn thu nhập, tiền đâu nộp thuế?

Dư luận phản ánh trên báo chí về dự án Luật Thuế tài sản những ngày sau khi được Bộ Tài chính giới thiệu nhìn chung là phản đối – với rất nhiều lý lẽ rất xác đáng. Một trong những lập luận khó lòng phản bác là hiện nay theo Hiến pháp đất đai thuộc sở hữu toàn dân, người dân chỉ có quyền sử dụng đất nên đất không phải là tài sản của họ đúng nghĩa. Một khi đất không thuộc sở hữu thì làm sao bắt người dân đóng thuế dưới tên gọi Luật Thuế tài sản cho được. Dù sao các thông tin đưa ra tại buổi họp báo chuyên đề về dự án này còn rất sơ sài, không đủ yếu tố để phân tích thiệt hơn của một sắc thuế như thế.

Chẳng hạn vì Bộ Tài chính cứ nhìn từ góc độ thu được bao nhiêu thuế nên các phương án toàn là nhìn từ phía quản lý nhà nước trong khi người đóng thuế muốn biết một gia đình bình thường ở đô thị đang ở căn nhà như thế thì tổng thuế hàng năm phải nộp là bao nhiêu, ở nông thôn thì nộp bao nhiêu... Với công nghệ thông tin hiện thời, rất dễ làm một phần mềm máy tính hoàn toàn tự động trên mạng, người dùng chỉ cần chọn các thông số như địa phương đang sinh sống, diện tích nhà, loại nhà... là phần mềm đơn giản này sẽ cho ra kết quả ngay. Bởi giá đất lấy theo bảng giá đất do UBND tỉnh công bố; giá nhà dựa vào suất vốn đầu tư xây dựng do Bộ Xây dựng ban hành; diện tích có sẵn trên giấy tờ chứng nhận.

Tuy nhiên, có một điều rất quan trọng chưa thấy ai đề cập: chỉ tính riêng hai chục năm gần đây, giá trị tài sản, cụ thể là nhà đất ở Việt Nam tăng với tốc độ chóng mặt, chắc chắn cao hơn tốc độ tăng thu nhập nhiều lần. Nay thuế dựa vào giá trị tài sản thì đại đa số người dân, do thu nhập tăng không kịp với đà tăng giá trị tài sản, làm sao có đủ năng lực tài chính để nộp thuế tài sản?

Nói cách khác, do các cơn sốt đất đai giá nhà đất tăng nhanh chóng, làm giá trị tài sản nói chung của cả nước tăng mạnh. Chỉ có một số ít trong đó “hiện thực hóa” mức tăng này khi tham gia vào các hoạt động liên quan đến bất động sản như mua bán, cho thuê, nhận đền bù do giải tỏa... còn đa số người dân dù thấy tài sản tăng giá nhưng họ đâu có nắm được đồng tiền do sự tăng giá đó mang lại. Một gia đình giáo viên, nhà cửa do cha mẹ để lại từ mấy chục năm nay, dù trong lòng thầm tính, giá căn nhà của họ tăng cao nhưng sự tính toán đó không đem lại hành vi tiêu dùng gì ngoài sự an tâm vì thu nhập của họ vẫn bình bình như trước. Nay bỗng dưng Nhà nước đánh thuế tài sản, dù dựa vào bảng giá chính thức, vẫn là một khoản chi tiêu rất thực, gia đình này lấy đâu thu nhập để đóng thuế?

Nhìn rộng ra hơn nữa, rõ ràng GDP đầu người của Việt Nam tăng khá nhanh nhưng còn lâu mới bắt kịp các nước giàu như Singapore, chẳng hạn. Thế nhưng giá trị tài sản, cụ thể là đất đai ở Việt Nam tăng nhanh và có thời điểm, có khu vực bắt kịp với giá địa ốc ở những nơi được xem là đắt đỏ. Một phép tính đơn giản cũng có thể cho thấy điều đó: giá nhà ở Anh, theo số liệu chính thức, bằng 7,6 lần thu nhập hàng năm; ở Canada tỷ lệ cũng tương tự. Giá nhà ở Mỹ gấp chừng 5 lần thu nhập trung vị. Còn giá nhà ở Việt Nam hiện nay? Cứ lấy giá chừng 2 tỷ đồng và lương bình quân 10 triệu đồng thì giá nhà ở Việt Nam gấp 16 lần!

Thử hình dung những hoàn cảnh như thế này: một gia đình hưu trí cách đó mấy chục năm được hóa giá một căn nhà với giá rẻ, nay thu nhập của họ chỉ có lương hưu, chưa đủ để sinh sống, lấy đâu ra tiền nộp thuế tài sản trên một giá trị rất cao so với thu nhập của họ. Hoặc hai căn nhà sát nhau, một căn được chủ nhà cho thuê, căn kia thì không. Bởi có cho thuê nên trị giá tăng cao của tài sản đã được tính vào giá thuê còn chủ nhà kia thì chịu, không thể “hiện thực hóa” giá trị tài sản. Vậy đánh thuế tài sản như nhau lên hai căn nhà này liệu có công bằng.

Ngược lại, những người dựa vào sự tăng giá của tài sản, nói thẳng ra là đầu tư vào đất đai, để nhanh chóng làm giàu thì xứng đáng phải nộp thuế tài sản. Ở Việt Nam, chênh lệch giàu nghèo không hẳn do thu nhập trực tiếp đem lại; chênh lệch giàu nghèo ngày càng lớn phần nhiều do chêch lệch về tài sản và khai thác tài sản mà ra. Ở Việt Nam đất đai trở thành nguồn tư bản tạo ra những tỷ phú qua đêm. Có những thời điểm, rõ ràng thu nhập từ 100 năm lao động miệt mài cũng không bằng lợi nhuận do đất đai mang lại trong vài ba tháng.

Cách hay nhất để triệt tiêu sự mất công bằng nói trên là xác định đối tượng chịu thuế tài sản. Thuế tài sản chỉ nên đánh vào những tài sản được đưa vào kinh doanh; với người dân bình thường không kinh doanh thuế tài sản chỉ đánh vào ngôi nhà thứ hai trở đi. Còn một sắc thuế áp dụng đại trà có lẽ phải chờ thêm một thời gian khi GDP đầu người Việt Nam tăng kịp đà tăng của tài sản như các nước đang áp dụng thuế tài sản.  


Cryptocurrency

  Phép thử tiền crypto   Không biết hãng Finder khảo sát ở đâu, với ai mà kết luận đến 41% dân Việt Nam có sở hữu tiền mã hóa (cryptocur...