Wednesday, November 19, 2014

Vốn xã hội ở Việt Nam

Vốn xã hội ở Việt Nam

(Bài này viết lâu rồi từ năm 2006, đăng trên báo Tia Sáng, giờ lưu lại ở đây để làm tài liệu. Lý do là có người hỏi Sở Kế hoạch Đầu tư một địa phương từ chối cấp phép cho một doanh nghiệp mang tên “Social Capital” vì theo họ cụm từ này dịch ra thành “xã hội tử hình”, vậy có đúng không. Haha. Sở giải thích tiếu lâm thiệt).

Lý giải hiện tượng hai cộng đồng dân cư có tài sản như nhau, nguồn lực bằng nhau, ở một mức xuất phát giống nhau nhưng một bên phát triển mạnh trở nên giàu có, một bên lụi tàn đến chỗ nghèo đói, người ta bắt đầu viện đến khái niệm vốn xã hội. Nếu có một thứ vốn như thế, tài sản vốn xã hội ở Việt Nam cao hay thấp, có đóng góp gì cho quá trình phát triển đất nước?

Nói một cách đơn giản nhất, vốn xã hội là những mạng lưới kết nối con người lại với nhau, cùng nhau giải quyết các vấn đề chung. Một ngôi làng bị bão tàn phá – nếu dân làng góp sức cùng nhau xây dựng lại nhà cửa thì kết quả sẽ cao hơn nhiều lần so với khi từng người đơn độc tự làm lấy.

Vốn xã hội ở đây không phải tự dưng mà có. Nó phải xuất phát từ một quá trình trải nghiệm chuyện “có đi, có lại”, trải nghiệm mức độ “chơi được” của người khác và kỳ vọng ở kết quả nhờ thành công ở những lần hợp tác trước. Cũng như người Việt Nam từng hiểu “Một cây làm chẳng nên non/Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”, vốn xã hội là một thực tế từ xưa nhưng chỉ trở thành đề tài thời thượng ở phương Tây vào cuối thập niên 1990.

Ở đây, cần lưu ý một số điểm trước khi nhìn lại vốn xã hội ở Việt Nam. Trước hết, vốn xã hội không chỉ là động lực thúc đẩy tiến bộ của xã hội bên cạnh vốn tài sản và vốn con người như các ví dụ ở trên. Nó còn có thể có tác động xấu.

Năm khu phố có năm tay lưu manh thì mọi người dù sao còn chịu được vì từng tên riêng lẻ không gây hại nhiều lắm, lại dễ bị khống chế. Nhưng nếu năm tay này liên kết với nhau thành một băng đảng thì hậu họa chúng gây ra tăng gấp hàng trăm lần cho cả một thành phố. Mafia, xã hội đen tồn tại đến bây giờ cũng nhờ biết “tận dụng”vốn xã hội của chúng.

Thứ nữa, các mạng lưới hình thành vốn xã hội thay đổi nhanh chóng. Ngày xưa lối sống khép kín của các cộng đồng dân cư nhỏ, như làng quê Việt Nam là môi trường xây dựng một loại vốn xã hội khác. Ngày nay, Internet, email, điện thoại di động lại là công cụ tạo dựng một loại vốn xã hội hoàn toàn khác. Tuy môi trường tác động lên vốn xã hội nhưng không thể kêu gọi chung chung rồi hy vọng nhờ vào “nhiệt huyết” mà vốn xã hội bỗng tăng lên theo kỳ vọng. Có thể nó sẽ tăng trong thời gian ngắn như trên thị trường vốn tài chính nhưng cũng sẽ nhanh chóng xẹp xuống một khi con người, qua trải nghiệm thực tế, không tìm thấy điều họ cần tìm.

Vốn xã hội phát huy tác dụng tích cực mạnh nhất ở một xã hội dân chủ nơi mọi người được tự do và tự nguyện tham gia các mạng lưới gắn kết cộng đồng và ngược lại nền dân chủ của một xã hội càng được củng cố một khi vốn xã hội ở đó mạnh lên. Cuối cùng, từ “vốn” có thể gây hiểu nhầm vì qua quan sát, người ta nhận ra một điều: vốn xã hội càng sử dụng càng tăng chứ không giảm như các loại vốn khác; thậm chí nếu không sử dụng, vốn xã hội sẽ dần dần triệt tiêu.

Cho dù những nhà nghiên cứu đang bất đồng về định nghĩa vốn xã hội sao cho trọn vẹn và chính xác, có thể thấy đa số đồng ý ở điểm vốn xã hội chỉ xuất hiện khi các cá nhân trong cộng đồng cùng chia sẻ một số chuẩn mực và giá trị làm cơ sở cho sự hợp tác. Vì thế có lẽ một khía cạnh quan trọng trong nền văn hóa của một xã hội có thể được dùng để đo lường mức vốn xã hội của cộng đồng. Đó là tính tập thể đối chọi với tính cá nhân.

Chính Robert Putnam, tác giả cuốn Bowling Alone (2000) nổi tiếng về vốn xã hội than phiền vốn xã hội nước Mỹ đang giảm thấp vì người Mỹ hiện đại sống mang tính cá nhân hơn trước nhiều.

Thế nhưng, khái niệm tính tập thể thường không được hiểu đầy đủ. Chúng ta thường gán cho tính tập thể những điều tốt đẹp, là sức mạnh của “ba cây chụm lại” và chê bai tính cá nhân. Điều đó đúng nhưng chưa đủ. Tính tập thể đúng là mối quan hệ chặt chẽ ở một xã hội nơi con người gắn kết nhau, sống dựa vào nhau. Và một khi đã dựa vào nhau như thế, cá nhân trong tập thể thường phải tôn trọng sự đồng thuận, ít thích va chạm, không muốn đối đầu, không muốn làm người khác mất mặt – một khái niệm rất quan trọng trong xã hội phương Đông.

Xét ở góc độ này người Việt Nam có tính tập thể cao. Nhưng điều đó chưa hẳn đưa đến kết luận vốn xã hội ở Việt Nam cao. Nó rất cao trong khuôn khổ gia đình khi cha mẹ có thể hy sinh tất cả cho việc học của con cái, trong bình diện cả nước khi có chiến tranh, lúc đó cá nhân sẵn sàng hy sinh thân mình vì lợi ích chung của cả đất nước. Nó cũng rất cao vì người dân Việt Nam rất tôn trọng tình làng nghĩa xóm, sẵn sàng chia sẻ cho người gặp bất hạnh.

Nhưng cũng như vốn tài chính, vốn xã hội sinh ra không chỉ để phục vụ cho nó – nó phải có tác dụng lên sự thịnh vượng của cộng đồng. Và ở đây, tính tập thể - nhìn ở góc cạnh tránh va chạm, muốn có đồng thuận, có thể làm thui chột sự đột phá của cá nhân, có thể có tác dụng nhân vốn xã hội lên gấp bội. Mạng lưới kết nối xã hội suy cho cùng là để nhằm thực hiện một mục tiêu chung nào đó, nếu tất cả chỉ chú trọng đến xây dựng quan hệ hòa đồng thì có nguy cơ quên mất mục tiêu ban đầu cho sự ra đời mạng lưới xã hội ấy.

Hơn nữa, vai trò cá nhân rất cần thiết để làm người tiên phong, vượt ra khỏi tập thể quen thuộc của mình, tiếp thu ý tưởng của tập thể khác để xây dựng mạng lưới liên kết mới. Các nhà nghiên cứu về vốn xã hội cũng nêu lên hiện tượng cá nhân lẩn tránh đằng sau một tập thể để giảm bớt sự đóng góp và tăng mức hưởng lợi từ tập thể. Chỉ có thể tránh hiện tượng này bằng một tập thể với những quy ước rõ ràng, minh bạch, tính chịu trách nhiệm cao của từng cá nhân. Một ông thứ trưởng quản lý như thế nào để các bộ phận bên dưới nhũng lạm với quy mô chưa từng thấy lại có thể dùng màn che tập thể để lẩn tránh trách nhiệm – ấy chính là chỗ yếu của tính tập thể trong tính toán vốn xã hội của chúng ta.

Ở bình diện lớn hơn, tính tập thể của xã hội có nguy cơ ngăn cản xã hội đó vươn ra bên ngoài vì chắc chắn họ sẽ gặp phải những giá trị khác, những chuẩn mực khác khó lòng chấp nhận đối với họ. Lúc đó, vốn xã hội hạn hẹp này sẽ đẩy xã hội đó đến chỗ bế tắc và trở nên trì trệ.


Mặt tốt và mặt xấu của tính tập thể hay, nói cách khác, tính tích cực và tính tiêu cực của vốn xã hội thể hiện rõ nhất trong thế giới làm ăn. Nếu sử dụng mối quan hệ giữa quyền lực và tiền bạc thành một liên kết riêng, mang tính loại trừ người khác để hưởng lợi cho riêng mình, thì đấy là một loại vốn xã hội nguy hại cho xã hội nói chung. Nó cũng giống mối quan hệ bên trong các băng đảng hay các nhóm khủng bố cuồng tín. Còn xây dựng một mối quan hệ mở, hướng ra bên ngoài, trên cơ sở mọi người tham gia cùng chia sẻ, cùng hưởng lợi, là cầu nối cho mọi cá nhân lúc đó tính tập thể mới biến vốn xã hội thành nguồn lực lớn cho phát triển.

Sunday, November 16, 2014

Kinh tế chia sẻ

Chia sẻ cũng không phải dễ

Bạn có nguyên một tầng lầu bỏ không nhưng không muốn cho thuê dài hạn vì những phiền toái khi cho thuê nhà. Bạn ước gì liên lạc được với du khách toàn thế giới, ai ghé lại Sài Gòn muốn ở nhà bình thường chứ không thích ở khách sạn thì cứ đến thuê nhà của bạn.

Ngày xưa ước muốn đó khó mà thực hiện; giỏi lắm bạn chỉ đủ tiền quảng cáo ở một vài tờ báo chứ làm sao đưa thông tin về căn nhà của bạn ra cho toàn thế giới.

Nhưng nay chuyện dàn xếp để người có nhu cầu thuê nhà với người có nhà cho thuê ngắn hạn đã dễ như trở bàn tay. Hàng loạt trang web ra đời mà nổi bật nhất là trang airbnb.com, hiện đang làm trung gian cho gần một triệu chỗ ở ngắn ngày tại 33.000 thành phố ở 192 nước. Số liệu năm ngoái cho thấy mỗi ngày trang này mai mối thành công cho gần 50.000 lượt thuê nhà ngắn hạn như thế ở khắp thế giới, kể cả ở Việt Nam. Gõ thử “Hanoi, Vietnam” vào trang airbnb.com, thấy có vài trăm chỗ chào cho thuê, từ hai ba chục đến cả trăm đô-la mỗi ngày.

Câu hỏi đầu tiên nảy sinh là làm sao chủ nhà tin tưởng cho một người lạ mặt vào nhà mình ở; làm sao du khách dám xách vali đến ở tại một nơi xa lạ lại không đăng ký kinh doanh như khách sạn. Airbnb xây dựng lòng tin nhờ vào nhận xét của cộng đồng, vào quy luật có đi có lại… Thậm chí các mạng xã hội khác như Facebook cung cấp ứng dụng xác minh người dùng cho Airbnb.

Bùng nổ nền kinh tế chia sẻ

Có lẽ đến giờ nhiều người ở Việt Nam đã nghe nói đến Uber, dịch vụ chia sẻ phương tiện đi lại theo mô hình taxi tư nhân.

Tuy nhiên ở đây phải nói ngay một nhầm lẫn giữa hai loại hình dịch vụ. Một bên là ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ cho các mô hình kinh doanh sẵn có. Ví dụ thay vì dung tổng đài để gọi taxi, người ta có thể dung các ứng dụng trên điện thoại thông minh như GrabTaxi, EasyTaxi, MoobiTaxi… để biết ngay chiếc taxi nào đang ở gần mình, đặt chỗ rồi gọi xe… Bên kia lại là kết nối giữa người có nhu cầu đi xe và người có xe sẵn sàng chở khách kiếm thêm tiền chứ không phải dân chạy taxi chuyên nghiệp. Cái sau chính là Uber.

Như vậy các dịch vụ như Uber hay Airbnb đang gây xáo trộn những ngành truyền thống đang hoạt động bấy lâu nay – thay vì hỗ trợ chủ khách sạn tiếp cận khách hàng, tài xế taxi kiếm khách nhanh hơn, chúng bỏ qua các nơi cung ứng dịch vụ theo con đường chính thống mà kết nối người dùng với nơi cung ứng dịch vụ phi truyền thống như người muốn cho thuê nhà theo kiểu tài tử, người dùng xe nhà chạy vài cuốc kiếm thêm ít tiền.

Nền kinh tế chia sẻ theo kiểu ấy không chỉ dừng lại ở Uber hay Airbnb, nó đang mở rộng ra nhiều lãnh vực khác nhau. Từ chia sẻ chiếc xe hơi, nhà mở rộng ra chia sẻ máy móc đắt tiền, chăm sóc thú cưng dùm cho người đi du lịch, làm việc nhà, thậm chí cho vay ngắn hạn… Có những dịch vụ mới nghe qua tưởng đâu chỉ có trong phim khoa học viễn tưởng như Auto Share của Verizon, người dùng chỉ cần quét chiếc điện thoại di động lên kính xe hơi đang đỗ ngoài phố để xác minh, nếu đúng là nhân vật đã đăng ký thì xe sẽ mở cửa và sẵn sàng cho sử dụng. Có cái nghe thật xa vời như cho thuê nguyên hòn đảo, cánh đồng, chỗ cắm trại hay thật vặt vãnh như cho thuê cái máy giặt trong hai giờ.

Phản đối cũng ầm ĩ không kém

Phản ứng lại các dịch vụ chia sẻ nói trên đầu tiên là các nơi cung cấp dịch vụ truyền thống. Chắc chắn các hãng xe taxi sẽ không muốn bị cạnh tranh hớt khách trên tay bởi hàng ngàn hãng xe taxi không tên tuổi, mỗi ông chủ chỉ một chiếc xe lại sẵn sàng phục vụ bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu. Chắc chắn các khách sạn không vui vẻ gì khi một tỷ lệ ngày càng lớn du khách dùng Airbnb, bỏ qua hệ thống khách sạn truyền thống.

Mới đây nhất là chuyện Sở Giao thông vận tải TPHCM đề nghị Bộ Giao thông vận tải có chỉ đạo để làm rõ tính pháp lý đối với dịch vụ xe Uber. Uber cũng bị giới taxi nhiều nước phản đối vì theo họ đã cạnh tranh không lành mạnh như một dạng hoạt động chui, không đóng thuế. Những người tham gia vào mạng lưới cho thuê nhà kiểu Airbnb chắc chắn sẽ gặp khó khăn nếu giới khách sạn kêu cứu vì chỉ cần siết lại chuyện đăng ký tạm trú hay đăng ký kinh doanh là coi như bị phá vỡ hợp đồng.

Phản đối thì phản đối, vấn đề quan trọng là các nhà quản lý nghĩ sao về các loại hình kinh tế hoàn toàn mới này.

Phản ứng từ các doanh nghiệp chắc không đủ để nhà làm chính sách phải ra tay hạn chế nền kinh tế chia sẻ vì doanh nghiệp truyền thống bị thua thiệt thì người tiêu dùng và hàng loạt “doanh nghiệp” tí hon sẽ hưởng lợi – cái lợi chung của nền kinh tế ắt sẽ lớn hơn thiệt hại mà nó gây ra.

Điều then chốt là nhà nước có thể thu thuế dễ dàng từ doanh nghiệp đã đăng ký hoạt động như hãng xe taxi hay chuỗi khách sạn; ngược lại họ sẽ không thu được đồng thuế nào từ các “doanh nghiệp bất đắc dĩ” trong nền kinh tế chia sẻ. Và đây mới chính là động lực để nhà nước “quản” các loại hình dịch vụ như Uber hay Airbnb.

Tuy nhiên ở các nước phát triển, nếu cá nhân hưởng lợi từ việc cho thuê nhà, thuê xe, ắt thu nhập của họ sẽ tăng lên và nhà nước sẽ thu thuế từ đó. Tức thay vì thu thuế thu nhập doanh nghiệp, nhà nước sẽ thu thuế thu nhập cá nhân chứ không mất đi đâu cả.

Một phản đối lớn hơn là tính bất ổn của nền kinh tế chia sẻ gây ra. Thử hỏi có chính quyền nào dám công khai cho phép một loại hình kinh doanh hoạt động mà họ không kiểm soát được. Giả thử xảy ra vài vụ án mạng hay cướp bóc từ việc chia sẻ phòng ngủ, cho đi xe nhờ thì áp lực dư luận bắt kiểm soát loại hình này sẽ lên cao đến đâu.

Tương lai sẽ như thế nào?

Nói gì thì nói, ở những nước như Việt Nam, tư duy “quản không được thì cấm” vẫn còn rất mạnh. Cho nên có thể tiên đoán sẽ sớm có những quy định hạn chế các dịch vụ chia sẻ như Uber hay cấm hẳn Airbnb bằng cách cấm cho người nước ngoài thuê nhà tư nhân.

Tuy nhiên, trong thời đại công nghệ và mô hình kinh doanh thay đổi như chong chóng ngày nay, cứ cấm đoán theo kiểu cũ trước sau gì cũng thất bại.

Giả dụ người dùng Airbnb cứ tiến hành giao dịch, không màng đến giới quản lý thì sao? Quan trọng hơn, nếu không hiểu và thích nghi với các mô hình phát triển mới, chúng ta sẽ đánh mất tính sáng tạo và năng động của nền kinh tế. Chính vì thế mà thành phố San Francisco vừa sửa luật để tạo điều kiện cho mọi người chia sẻ nhà hay phòng ở qua Airbnb dễ dàng hơn.

Bản chất của các mô hình thành công mới là đóng vai trò trung gian. Ví dụ Facebook là nơi trung gian cho hàng triệu triệu con người trao đổi thông tin với nhau, Facebook không thu phí mà tìm lợi nhuận từ quảng cáo cho chính hàng triệu triệu con người đó xem. Nhiều trang tương tự ở nước ngoài dùng khái niệm “user-generated content” (nội dung do người dùng tạo ra) để hoạt động, vừa khỏi tốn chi phí sản xuất nội dung vừa thu hút số lượng người đông đảo. Chính những thành công của các trang mang tính diễn đàn như thế như Tinh Tế ở Việt Nam làm chúng ta phải suy nghĩ về cách thức quản lý.

Nhìn rộng ra, hiện nay đã có những mô hình kinh doanh hoàn toàn mới trước đây chưa ai nghĩ là có thể tồn tại. Ví dụ gọi vốn cho những sản phẩm chỉ mới là ý tưởng, bán sách chưa viết xong, tự xuất bản, tự phát hành qua mạng…

Thử tượng tượng đến một ngày đẹp trời nào đó, mọi thứ chúng ta đang sở hữu đều có thể được rao để chia sẻ, bất kỳ ai mong muốn “mượn” đồ của chúng ta đều có thể tham gia, phần mềm trên chiếc điện thoại sẽ lo hết mọi thứ để cuối cùng thu xếp cho cung cầu gặp nhau. Phần còn lại chỉ là vấn đề hậu cần.


Cái hay là Việt Nam và người dân Việt Nam hoàn toàn có thể tham gia vào nền kinh tế chia sẻ ngang bằng với các nước khác, không ngại trình độ công nghệ hay cơ sở hạ tầng. Có lẽ quan niệm “trình độ quản lý phải tiến kịp với trình độ phát triển” ngày càng đúng hơn bao giờ hết.

Saturday, November 15, 2014

Giá dầu biến động - do đâu?

Giá dầu biến động - do đâu?

Giá dầu đang giảm mạnh, tính từ giữa tháng 6-2014 đến giữa tháng 10-2014 đã giảm trên 25 đô la/thùng.

Chỉ đến khi giá dầu xuống mức xấp xỉ 80 đô la Mỹ/thùng, người ta mới sực nghĩ đến cuộc cách mạng dầu đá phiến đang diễn ra, có tiềm năng thay đổi tận gốc rễ tình hình địa chính trị, kinh tế cũng như cán cân quyền lực trên toàn thế giới.

Thế nhưng cuộc cách mạng dầu khí đá phiến là gì? Và nó có ảnh hưởng thế nào đến giá dầu thô trên thế giới?

Một chút lịch sử

Xưa nay nói đến dầu, người ta chỉ nghĩ đến dầu thô khai thác từ những giếng dầu truyền thống trên đất liền hay ngoài biển. Và nói đến dầu thô, nhiều người cũng nhớ ngay đến dự báo của King Hubbert từ năm 1956 rằng lượng dầu khai thác được sẽ đạt đỉnh vào thập niên 1970 rồi giảm dần đến chỗ cạn kiệt. Trong nhiều năm người ta tin vào tiên đoán này, nhất là khi giá dầu ngày càng tăng vì chi phí khai thác cao, xung đột tranh giành ảnh hưởng lên các vùng nhiều dầu làm dầu mang tính địa chính trị đậm nét. Chỉ mới cách đây một thập niên, người Mỹ cũng nghĩ rằng nguồn cung dầu thô của họ sẽ cạn kiệt dần nên mọi chính sách đối ngoại dường như tập trung vào “lợi ích của Hoa Kỳ” mà nói trắng ra là các giếng dầu ở Trung Đông.

Thế rồi mọi chuyện thay đổi khi Mỹ hoàn thiện công nghệ khai thác dầu khí đá phiến trong đầu thập niên 2000. Nói ngắn gọn, nhờ vào sự phát triển của hai công nghệ ép vỉa thủy lực (hydraulic fracturing, còn được dịch thành nứt vỡ thủy lực) và khoan ngang, Mỹ đã vượt qua các nước khác, đi tiên phong trong lĩnh vực khai thác dầu khí đá phiến. (Xem thêm bài Cuộc cách mạng dầu khí đá phiến).

Trong khi trữ lượng dầu thô truyền thống của Mỹ là 164 tỉ thùng thì trữ lượng dầu đá phiến cũng lên đến 58 tỉ thùng, nâng tổng trữ lượng dầu thô của Mỹ vào khoảng 222 tỉ thùng. Để so sánh, các con số này của toàn thế giới lần lượt là 3.012 tỉ thùng dầu truyền thống, 345 tỉ thùng dầu đá phiến và tổng trữ lượng là 3.357 tỉ thùng. Tính ra thì trữ lượng dầu đá phiến của Mỹ chiếm đến một phần tư tổng trữ lượng dầu mỏ của nước này; trong khi trên thế giới, dầu đá phiến chỉ chiếm một phần mười tổng trữ lượng.

Từ năm 2005-2013, sản lượng khai thác dầu và khí đá phiến ở Mỹ tăng từ 5% lên đến 35% tổng lượng dầu khí khai thác ở nước này. Hiện Mỹ đã vượt Nga, trở thành nước sản xuất khí đốt lớn nhất thế giới. Còn dầu thì từ năm 2008 đến nay, sản lượng Mỹ khai thác đã tăng đến 70%, lên mức 8,7 triệu thùng/ngày. Theo nhiều dự đoán đáng tin cậy, trong vòng vài năm tới lượng dầu thô khai thác ở Mỹ sẽ vượt mức đỉnh 10 triệu thùng/ngày từng đạt được vào thập niên 1970, và tiếp tục có cơ qua mặt cả Nga và Ảrập Saudi thành nước sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới. Còn nếu tính tổng sản lượng dầu thô quy đổi - bao gồm dầu thô và các loại khí thiên nhiên dạng lỏng (natural gas liquids - NGL) - thì Mỹ đã đạt mức 11,5 triệu thùng/ngày và đã vượt qua cả Nga lẫn Ảrập Saudi lên hàng đầu thế giới vào tháng 7-2014 vừa qua, theo thống kê chính thức của Cơ quan Năng lượng quốc tế IEA.

Tại sao giá dầu thô giảm mạnh

Gần như ngay tức thì khi cuộc cách mạng dầu khí đá phiến bùng nổ, nhu cầu nhập khẩu dầu thô của Mỹ giảm xuống rõ rệt. Nên nhớ cách đây khoảng 10 năm Mỹ còn phải nhập gần 11 triệu thùng dầu thô mỗi ngày để đáp ứng nhu cầu trong nước và chỉ xuất khẩu khoảng 1,5 triệu thùng dầu thành phẩm (mà ta có thể gọi nôm na là xăng dầu). Nhưng tính đến cuối năm 2013, Mỹ chỉ còn phải nhập 7 triệu thùng dầu thô mỗi ngày và xuất khẩu đến gần 4 triệu thùng dầu thành phẩm. Ở quốc gia tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới mà cầu giảm trong khi cung lại tăng nên chẳng lạ gì giá dầu thế giới có thể coi là bình ổn trong vài năm gần đây và giảm mạnh trong thời gian mấy tháng vừa qua. Bất kể các cuộc khủng hoảng xung đột xảy ra tại các khu vực xuất khẩu dầu thô như Libya (vụ chính quyền Tổng thống Gaddafi bị lật đổ), tại Trung Đông (với việc Nhà nước Hồi giáo (IS) tuyên bố thành lập), hay vụ xung đột giữa Nga và Ukraine, giá dầu thô trên thế giới không hề tăng như xưa nữa.

Khi giá dầu giảm dưới mức 80 đô la/thùng, nhiều nước sản xuất dầu thô nếu tính toán không khéo sẽ bị lỗ nặng. Thế nhưng chi phí sản xuất dầu đá phiến thì ngày càng giảm. Nhờ liên tục cải tiến công nghệ và sự cạnh tranh giữa các công ty cung cấp dịch vụ khoan, chi phí khai thác mỗi thùng dầu đá phiến ở nhiều nơi trên nước Mỹ chỉ còn khoảng 30 đô la/thùng từ năm 2012, theo một báo cáo của Morgan Stanley. Như vậy nhiều nhà sản xuất dầu ở Mỹ còn có thể chịu được dù giá rớt xuống mức 50 đô la/thùng.

Tất cả những yếu tố đề cập trên đang được đặt lên bàn cân của các nước trong một ván cờ hoàn toàn mới lạ so với trước.

Kẻ cười người khóc

Hiện tượng giá dầu giảm lần này không phải do biến động chính trị mà do cung tăng bền vững, đều đặn nên chắc chắn mức giá giảm sẽ còn tiếp tục cho đến chừng nào các nước sản xuất dầu thô truyền thống như Ảrập Saudi (đại diện tiêu biểu của khối OPEC) hay Nga chịu không nổi phải giảm sản lượng để giữ giá dầu, tránh sự thâm hụt ngân sách thêm trầm trọng. Có vẻ như Ảrập Saudi và cả Nga đang muốn chơi trò “cù cưa” với Mỹ nhằm đo lường xem Mỹ trụ lại được bao lâu khi giá dầu giảm. Tuy nhiên, có thể thấy ngay là “trò chơi nguy hiểm” này cũng sẽ chẳng làm Mỹ suy yếu đi bao nhiêu mà ngược lại, có thể rơi vào trường hợp “gậy ông đập lưng ông”.

Lý do dự đoán Mỹ không suy yếu bao nhiêu là vì: Mỹ vẫn chưa bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu thô cho nên sản lượng dầu đá phiến tăng đều đặn hoàn toàn được cung cấp cho thị trường nội địa. Giá dầu giảm có chăng sẽ làm giảm mức tăng sản lượng dầu thô của quốc gia này (vì nguồn đầu tư vào hoạt động khai thác dầu sẽ giảm) chứ không thể ảnh hưởng tiêu cực lên nền kinh tế đa dạng và đang trên đà hồi phục. Đó là chưa kể nguồn cung khí đốt khai thác từ đá phiến dồi dào dẫn đến giá khí đốt tại Mỹ vẫn rất rẻ so với bình diện chung kéo theo hàng loạt ngành công nghiệp khác phát triển và thu hút nhiều đầu tư từ nước ngoài. Giá khí đốt tại Mỹ hiện nay vào khoảng 4 đô la trên một đơn vị năng lượng BTU so với 11-12 đô la ở thị trường châu Âu và 16-17 đô la tại thị trường châu Á.

Một vấn đề nữa cần chú ý là loại dầu khai thác từ đá phiến là dầu ngọt và nhẹ trong khi dầu của Ảrập Saudi là loại nặng và chua (vì chứa nhiều lưu huỳnh) nên dù Ảrập Saudi có “đổi ý” muốn giảm sản lượng hòng bình ổn giá dầu cũng không thay đổi được mức cung ngày càng tăng cao của loại dầu ngọt và nhẹ. Nghĩa là họ cũng chẳng còn khả năng xoay chuyển, thao túng tình hình như những thập kỷ trước.

Nền kinh tế thế giới cũng chưa có biến chuyển gì mới nên phía cầu xem như sẽ không tăng mạnh như những năm trước cuộc khủng hoảng tài chính 2008.

Trước mắt những nước nhập khẩu dầu nhiều như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ có lợi; các nước xuất khẩu dầu mạnh như Nga và Trung Đông thì đang rầu thúi ruột bởi những khía cạnh vừa được phân tích. Chính vì giá dầu giảm mạnh đã đẩy nền kinh tế Nga rơi vào khó khăn, đồng rúp mất giá chứ chưa hẳn là kết quả của lệnh cấm vận do Mỹ và châu Âu áp đặt. Và chính giá dầu làm xung đột ở Trung Đông, bất kể các tít báo IS chặt đầu, đốt phá khắp nơi, đã không bùng phát lên dữ dội như ngày xưa. Vai trò Trung Đông như một nguồn cung dầu quan trọng cho thế giới vẫn còn đó nhưng một khi giá dầu không còn bị giữ làm con tin để mặc cả nữa thì nơi này không còn là điểm nóng địa chính trị.

Nếu giá dầu Brent rơi xuống mức 80 đô la/thùng thì theo tính toán của tờ Financial Times, các nước OPEC sẽ hụt mất 200 tỉ đô la trong 1.000 tỉ đô la doanh thu từ dầu thô.

Trên bình diện cả thế giới thì giá dầu giảm như hiện nay là một cú hích theo dạng kích cầu quan trọng, trị giá chừng 1,8 tỉ đô la mỗi ngày, hay 600 tỉ đô la tính theo năm. Ví dụ, mỗi gia đình Mỹ hiện đang xài bình quân 2.900 đô la/năm tiền xăng dầu và khí đốt thì mức giảm tương đương khoản tiền tiết kiệm chừng 600 đô la để chi tiêu vào việc khác.


Tóm lại, nhờ vào cuộc cách mạng dầu khí đá phiến đang diễn ra mạnh mẽ tại Hoa Kỳ mà các nước OPEC không còn có thể thao túng thị trường dầu mỏ của thế giới như trước đây. Cuộc diện địa chính trị thế giới có thể còn nhiều biến đổi trong thời gian tới.

Monday, November 10, 2014

Khoa học viễn tưởng

Khoa học viễn tưởng đã tới – có thật không?

Nguyễn Vạn Phú

Thời niên thiếu, tôi từng say đắm truyện khoa học viễn tưởng, từ loại du hành vào các thiên hà xa xôi đến loại đi vào lòng trái đất nóng chảy, huyền bí. Nhưng thích nhất vẫn là loại truyện mà nhân vật chính là các chú rô-bốt nhìn bề ngoài như người thật lại có năng lực siêu nhiên, siêu phàm.

Tôi từng ước mình có một chú rô-bốt luôn ở bên cạnh, khi cần hỏi từ đây lên Mặt Trăng bao xa là chú trả lời ngay. Khi cần bảo chú làm toán giùm, hay học thuộc bài rồi dùng phương tiện “truyền âm nhập mật” để nhắc vào tai tôi mặc dù ở xa vài ba cây số.

Ước mơ lụi tàn dần cho đến một hôm bỗng sực nhớ, tất cả những năng lực siêu nhiên đó hiện đã có mặt quanh ta, chỉ có điều không ở dưới dạng chú rô-bốt giống con người. Chỉ cần chiếc điện thoại di động cỡ trung, bạn cũng đã có thể bật phần mềm hỏi đáp lên, hỏi các câu (bằng tiếng Anh) như từ Trái đất lên Mặt Trời bao nhiêu cây số, tốc độ âm thanh là bao nhiêu, nhiệt độ hiện nay ở Tokyo là mấy độ, tỷ giá đô-la Úc hôm nay bao nhiêu... Máy sẽ trả lời rành rọt còn hơn chú rô-bốt trong trí tưởng tượng ngày xưa của tôi.

Mới hôm kia, báo chí tường thuật một ứng dụng mới, chỉ cần dùng máy chụp ảnh trên điện thoại quét qua bài toán giải phương trình, bấm một cái là có kết quả ngay. Nếu cần máy sẽ cho bạn biết cách giải bài toán từng bước, từng bước để chép nộp cho thầy.

Hầu như nhiều điều mấy chục năm về trước người ta còn đưa vào các truyện khoa học viễn tưởng nay đã thành hiện thực nhưng ít ai để ý. Đã có xe hơi tự lái, tự đỗ khi cần tự chạy từ ngoài sân đỗ vào cửa đón bạn; đã có máy bay không người lái, ở suốt trên trời khi cần người ta bấm nút sai nó xuống ném bom giết người ở tận Trung Đông. Chuyện hai người ở hai đầu Trái Đất nói chuyện mà thấy mặt nhau thì quá thường rồi.

Thế nhưng có những khác biệt giữa chú rô-bốt ngày xưa và máy móc tự động ngày nay. Ngày xưa các chú sống theo ba nguyên tắc mà nhà văn khoa học viễn tưởng Isaac Asimov đặt ra: Rô-bốt không được hại con người; Rô-bốt phải tuân lệnh người trừ phi lệnh đó xung đột với nguyên tắc đầu tiên; Rô-bốt phải tự bảo vệ mình miễn sao không vi phạm nguyên tắc đầu và nguyên tắc thứ nhì.

Ngày nay, máy tính, mạng Internet mạnh hơn, thông minh hơn các chú rô-bốt nhiều. Thế nhưng giả thử có ai dùng Facebook để lừa đảo người khác, mặc dù thuật toán dễ dàng cho Facebook biết ngay họ có ý đồ lừa đảo (dựa vào quá khứ sử dụng của người này) nhưng Facebook vẫn dửng dưng để mặc kẻ xấu dụ dỗ người cả tin. Các máy bay drone không người lái ngoan ngoãn giết người không gớm tay. Máy tính bảng dễ dàng biết người dùng chúi mặt vào màn hình quá lâu, có hại cho sức khỏe nhưng đời nào nó tự tắt, tự phát tín hiệu cảnh báo.

Và những vấn đề đạo lý hiện đang cản trở các chú rô-bốt hoàn thiện hơn nữa: Giả thử xe không có người lái, gây tai nạn thì ai chịu trách nhiệm?

Khoa học viễn tưởng đã đến nhưng từ năng suất cho đến hạnh phúc, nó không làm con người thỏa mãn. Những tưởng với những đột phá trong công nghệ, từ các phần mềm đơn giản như bảng tính Excel đến các cơ sở dữ liệu khổng lồ, con người sẽ làm việc hiệu quả gấp trăm lần ngày xưa. Có ai tưởng nỗi chỉ cần cái laptop là có thể tính toán tiền lương cho cả chục ngàn người. Nhưng không, năng suất lao động của nhân loại không tăng được chút nào cả.

Còn nói về chuyện hạnh phúc, cứ nhìn vào bất kỳ tấm ảnh nào miêu tả con người ngồi cạnh nhau trong tiệm ăn, trong phòng chờ sân bay không nói chuyện với nhau mà mỗi người chúi mũi vào màn hình riêng của mình mới thấy càng ngày cuộc sống ảo càng lấn lướt cuộc sống thật.

Ngày xưa truyện khoa học viễn tưởng khai thác đề tài chiến tranh giữa người máy với con người; nay máy móc đang hủy diệt hay thay đổi tận gốc rễ nhiều ngành nghề mà ít ai để ý như sách báo, in ấn, âm nhạc. Chẳng bao lâu nữa, các ngành dịch vụ như khách sạn, taxi sẽ bị xáo động dữ dội do chi phí sắp xếp để bên cung gặp bên cầu nhờ máy móc mà xuống thấp bằng không  bèn nảy sinh các dịch vụ mới như Uber, như Airbnb... Nói chung nền kinh tế chia sẻ sẽ lên ngôi, nền kinh tế cung ứng truyền thống sẽ mai một.

Có lẽ tất cả những nghịch lý này đang diễn ra và ngày càng mạnh hơn là do ngày xưa mọi truyện khoa học viễn tưởng đều giả định xã hội đồng nhất, ai cũng tiếp cận máy móc như nhau. Còn ngày nay, bên cạnh những người thừa hưởng hay chịu đựng các tiến bộ công nghệ mới nhất vẫn còn một tỷ lệ rất lớn nhân loại đứng ngoài rìa, ngày càng tụt lại đằng sau.

Ở đó, sự mù quáng sẽ thổi bùng xung đột tôn giáo, sắc tộc, tô đậm lòng tham, sự thù hận... những điều mà không máy móc nào giải quyết được. Có lẽ vì thế giấc mơ khoa học viễn tưởng vẫn luôn là giấc mơ nằm ở phía trước, xa thật xa.


Cryptocurrency

  Phép thử tiền crypto   Không biết hãng Finder khảo sát ở đâu, với ai mà kết luận đến 41% dân Việt Nam có sở hữu tiền mã hóa (cryptocur...