Friday, December 19, 2014

“Social Capital” là “Xã hội tử hình”?

“Social Capital” là “Xã hội tử hình”?

Chuyện khó tin nhưng có thật, mới xảy ra hồi cuối tháng 10-2014. Một công ty giáo dục muốn đổi tên thành Công ty Cổ phần Social Capital. Chuyện công ty Việt Nam mà lại muốn đặt tên tiếng Anh như thế - đúng sai thế nào, xin nói ở phần dưới. Vấn đề là cơ quan cấp phép ở địa phương đã từ chối cái tên này vì lý do, dịch ra tiếng Việt thành “Xã hội tử hình”, là “vi phạm truyền thống văn hóa, đạo đức”!

Tin nổi không cán bộ nhà nước tùy tiện diễn dịch một cụm từ rất bình thường “Vốn xã hội” thành chuyện tày trời có cả hình phạt tử hình ở trong nữa.

Thật ra đây chỉ là một ví dụ trong muôn ngàn ví dụ “cười ra nước mắt” liên quan đến việc đặt tên doanh nghiệp. Các bạn có tin có công ty mang tên “Bay Bổng Đầu Óc”, “Nam Yến Đại Cát”, “Én Sa Yến Sa”, “Người Lái Xe Mặt Trời”…

Có lẽ ít ai trong chúng ta nghe đến các tên này bởi ngay chính người làm trong các doanh nghiệp này cũng ít khi sử dụng chúng. Họ chỉ đặt tên như vậy rồi ngay sau đó sử dụng tên doanh nghiệp viết tắt hay tên giao dịch bằng tiếng Anh. Hóa ra đó mới là tên chính, tên quen thuộc nhưng không dịch ra tiếng Việt được. “Bay Bổng Đầu Óc” là BBDO – một doanh nghiệp quảng cáo lớn của thế giới (BBDO là viết tắt tên của những người sáng lập). Có lẽ trong 289 văn phòng của tập đoàn này tại 80 nước, không nơi nào bắt phải đặt lại tên theo kiểu “Bay Bổng Đầu Óc”!

Còn “Nam Yến Đại Cát” là NYDC – tên chuỗi nhà hàng có trụ sở chính ở Singapore; “Én Sa Yến Sa” là eSys – nhà phân phối các sản phẩm tin học và “Người Lái Xe Mặt Trời” – một công ty phân phối sản phẩm thảo dược theo kiểu đa cấp, với công ty mẹ là… Sunrider.

Trước đây doanh nghiệp không được đặt tên bằng tiếng Anh mà phải đặt tên “thuần Việt” cho nên một người khởi nghiệp trong ngành công nghệ thông tin muốn dùng từ NET đưa vào tên không được đồng ý bèn phải viết thành NÉT; một công ty khác phải mang tên Việt Cốm Bồ.

Nói cụ thể, Nghị định 88 năm 2006 quy định: “Tên doanh nghiệp phải viết được bằng tiếng Việt, có thể kèm theo chữ số và ký hiệu, phát âm được”. “Riêng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có thể sử dụng tên riêng bằng tiếng nước ngoài đã đăng ký để cấu thành một phần hoặc toàn bộ tên riêng của doanh nghiệp”.

Như vậy các doanh nghiệp nước ngoài như Honda, Samsung, Toyota vào làm ăn ở Việt Nam vẫn được giữ nguyên tên chứ không cần dịch sang tiếng Việt. Thế nhưng có một số trường hợp, mặc dù thực chất là công ty con của một tập đoàn nước ngoài nào đó nhưng lại muốn thành lập dưới dạng công ty trong nước, do người trong nước đứng tên. Thế là nảy sinh các tình huống “dở cười, dở khóc”. Cũng có một số công ty muốn đặt tên bằng tiếng Anh để dễ làm ăn, dễ giao dịch như kiểu Net Lab cũng không được.

Cái quy định cứng nhắc này đã được sửa đổi. Đến Nghị định 43 ban hành năm 2010 thì “Tên doanh nghiệp phải viết được bằng các chữ cái trong Bảng chữ cái tiếng Việt, có thể kèm theo các chữ cái F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu, phát âm được”.

Như vậy về nguyên tắc, doanh nghiệp có quyền đặt tên bằng tiếng Anh. Thực tế đã có những cái tên tiếng Anh được đăng ký như “Công ty Cổ phần Hospi Tech”, “Công ty Cổ phần Thép Sunrise”, “Công ty Cổ phần Good Day Hospitality”. Thậm chí có những tên rất “dung dị” như “Công ty Cổ phần Good & Great”, “Công ty TNHH Good Morning Korea”.

Chính vì thế nên cái công ty Social Capital nói ở đầu bài cuối cùng cũng được cấp phép đổi tên!

Thế nhưng dường như cảm nhận của nhiều doanh nghiệp vẫn là không được đặt tên bằng tiếng nước ngoài, một số nơi tư vấn vẫn bày theo kiểu dùng một từ tiếng Việt sao cho đến khi dịch sang tiếng Anh làm tên giao dịch thì ra lại đúng cái tên muốn đặt. Chẳng hạn chuỗi bán bánh mì khá nổi tiếng Subway khi sang Việt Nam đã có một “đại diện” là “Công ty TNHH Đường Hầm” mặc dù bản thân từ Subway chẳng phải là đường hầm gì cả.

Thực tế, việc đồng ý cho đặt tên “không thuần Việt” hay không còn tùy từng Sở Kế hoạch Đầu tư, tùy từng cán bộ thụ lý hồ sơ. Nếu thấy lấn cấn thì viện lý do “Xã hội tử hình” như ở đầu bài là mắc vào lỗi “Không được sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc, tên danh nhân để đặt tên riêng cho doanh nghiệp” của Nghị định 43.

Nói cho cùng vẫn còn nhiều người cho rằng, đã là công ty Việt Nam tại sao lại đặt tên “Social Capital” làm chi, tại sao không gọi “Vốn Xã Hội” cho khỏe? Nhiều người khác cũng dị ứng với các tên công ty toàn tiếng Anh như “Good Food – Good Life”, “Fast Care”, “Think Great”…

Chỉ cần nhìn ra bên ngoài một chút, chúng ta sẽ thấy nếu các nước không cho doanh nghiệp của mình đặt tên bằng tiếng nước ngoài hay tên thuần theo ngôn ngữ của nước họ thì làm gì có các thương hiệu như Sony của Nhật Bản, Lenovo (Trung Quốc), Ikea (Thụy Điển)…

Cứ cứng nhắc “thuần Mỹ” thì hàng loạt doanh nghiệp Mỹ nhưng của người gốc Việt thành lập làm sao đặt tên như Phở Hòa, Thẩm mỹ viện Hạnh Phước, Địa ốc Thần Tài…

Cho nên tên doanh nghiệp thì cứ để doanh nghiệp toàn quyết quyết định, luật pháp không nên can thiệp vào làm gì. Nếu doanh nghiệp chỉ giao dịch với nông dân mà đặt tên Tây khách hàng không hiểu, không gọi được thì cứ ráng mà chịu. Nếu doanh nghiệp đặt tên phản cảm bị khách hàng tẩy chay thì họ chỉ còn biết trách chính họ mà thôi. Xét cho cùng tên doanh nghiệp là tài sản của họ, họ phải lo chứ không ai khác.





Do no evil – really?

Do no evil – really?

By Nguyen Van Phu

When I was a small boy, I was obsessed with robots. Reading sci-fi novels, I just dreamed of the day when I have a small robot to be my all-powerful friend. I would ask and he would effortlessly answer all questions I had: How far away is the Moon? When did the first World War break out? What’s the weather like in Paris right now? Just imagine having a friend like that in your classroom, you don’t have to avoid your teacher’s eyes any more.

That dream gradually faded away as I grew older until recently when I realized all of a sudden that all these wildest - and at times weirdest - sci-fi ideas have long become reality. You only have to watch Amazon’s latest video introducing Echo to know what’s in the offer. Today's applications expand the definition of “robot” to a magnitude unimaginable a decade ago. Even an application like Facebook, for instance, is essentially a robot connecting you with friends and relatives in real time.

Believe it or not, the novelty of a smart phone answering your questions tirelessly can wear out quite fast. There is only a lingering bad taste in my mouth after uttering the wake word, “OK, Google” repeatedly. Maybe because of my wife’s disdainful look  at her husband's non-stop blabbering to a machine. Maybe because of the horrifying possibility that I will say “OK, Google” more often than greeting friends or neighbors.

I still remember Isaac Asimov's Three Laws of Robotics: A robot may not injure a human being or, through inaction, allow a human being to come to harm; A robot must obey the orders given to it by human beings, except where such orders would conflict with the First Law; and a robot must protect its own existence as long as such protection does not conflict with the First or Second Laws.

As a boy I took these laws for granted and enjoyed the sci-fi novels without worrying too much about the well-being of mankind. Anyway, the human race always triumphs in the long run, doesn’t it?

Now that robots, or some forms of robotic intelligence are available, I wonder if the inventors ever thought of these laws when they built them. Facebook, if we agree that it is a robot of some sort, obviously does not observe the first law.

Someone hacked your Facebook account, post on your timeline a moving story aimed at squeezing tears and some money from your friends. Would Facebook know that it is a hacker behind the status and not you? Certainly. Would Facebook somehow alert your friend list of a possible scam? Absolutely nothing.

I was duly impressed with Photomath, an app that uses your smart phone’s camera to solve mathematical expressions until I realized that it does eventual harm to any student abusing this app and not learn math skills he is supposed to learn. Does the maker of Photomath stop the app from harming users? Absolutely not.

I have no idea who will be held responsible if a driverless car causes an accident but I know drones have been used to kill people remotely. That is a chilling realization that somehow someday drones don’t need remote controllers; they can make on the spot decisions based on criteria set by human beings.

I also remember how sci-fi novels described the total destruction machines would bring to humankind. You have at least four Terminator films to drive home the possibility, however remote it is. But nobody seems to care that machines have in fact destroyed, or radically changed a lot of industries, including newspapers, music or publishing.

The destruction might continue as new business models take over such as Uber or Airbnb.

Here I want to add an ironic touch: it seems a sharing economy is what an ideal socialist society should strive for. But Vietnam, as a communist country, might find Uber or Airbnb too disruptive and might ban these services on the local corporate lobbying efforts.

Old-school sci-fi novels usually start with the assumption that technological advances affect everybody equally. The fact is, today, digital divide means a lot of people are marginalized as far as technological advances are concerned. Whether it is a curse or a blessing in disguise for them remains to be seen. But that’s why on the one hand, we see Amazon Echo and on the other hand, we see barbarian acts of beheading still being practiced.

That’s why my sci-fi dreams remain a dream. 


Dạy kinh tế ở trường phổ thông

Kinh tế như một môn học phổ thông – tại sao không?

Giả thử có hai chọn lựa cho một học sinh lớp 11, chọn lựa thứ nhất là học các khái niệm như “thế nào là sản xuất của cải vật chất” hay “cơ cấu kinh tế là gì”; chọn lựa thứ hai là học cách tính tổng số tiền sẽ nhận được sau 10 năm nếu bây giờ đem 1 triệu đồng đầu tư vào một nơi sẽ sinh lời 8% mỗi năm trong bài “Giá trị thời gian của tiền bạc”.

Chọn lựa thứ nhất hiện đã diễn ra – đó là hai trong số nhiều khái niệm về kinh tế mà học sinh lớp 11 phải học trong môn “Giáo dục công dân”.

Chọn lựa thứ hai chưa diễn ra – đó là ước mong của người viết thấy học sinh cấp ba được chọn môn Kinh tế như một trong các môn tự chọn và nội dung các em được học sẽ rất gần gũi với cuộc sống, sẽ giúp các em ứng xử với những tình huống có thật hay ít nhất cũng hiểu được những gì đang diễn ra quanh em.

Bộ Giáo dục & Đào tạo đang chuẩn bị cho việc biên soạn lại chương trình và sách giáo khoa cho học sinh phổ thông. Không biết chương trình và sách mới sẽ như thế nào nhưng đọc thử sách giáo khoa hiện nay, có cảm tưởng như người lớn đã hình thành một số định kiến rằng học sinh phải học cái này hay cái kia để thành người hữu dụng. Kiến thức phải được sắp xếp, ấn xuống cho học sinh theo kiểu phải đi theo bài bản như thế này mới thành kiến thức. Lấy lại ví dụ cuốn “Giáo dục công dân” lớp 11, trong Phần 1 – “Công dân với kinh tế”, có cảm tưởng người soạn sách cứ nghĩ khi nói đến kinh tế thì một công dân điển hình phải biết “quy luật giá trị trong sản xuất và lưu thông hàng hóa”, phải nắm “nền kinh tế nhiều thành phần và vai trò quản lý kinh tế của Nhà nước”.

Chưa nói đến đúng sai trong kiến thức, thử tưởng tượng làm sao khơi gợi được lòng yêu thích kinh tế của học sinh bằng những khái niệm khô khan, mơ hồ và không gắn một chút gì với trải nghiệm của học sinh.

Trong khi đó, thử nhìn vào chương trình môn Kinh tế tự chọn của học sinh cấp 3 ở các nước như Singapore, các em được học những gì? Các em sẽ được học về “chi phí cơ hội” để nhìn lại những chọn lựa các em phải đưa ra hàng ngày với con mắt của “nhà kinh tế” – ví dụ, xem thử đi coi phim với bạn thay vì ở nhà làm bài tập thì “chi phí cơ hội” có phải chỉ là tiền vé hay hơn thế? Các em sẽ được học về “lợi thế so sánh” để biết vì sao sản xuất gạo ở Nhật đắt gấp chục lần nhập khẩu gạo từ nước khác, thế mà chính phủ Nhật vẫn phải bỏ tiền trợ cấp cho nông dân Nhật trồng lúa và dùng thuế cao cản trở hàng nhập khẩu.

Các em sẽ được học qua lạm phát, thất nghiệp, chu kỳ kinh tế, tăng trưởng. Các em sẽ được biết tiền được tạo ra như thế nào, ngân hàng hoạt động ra sao, chính phủ phát hành trái phiếu để vay nợ bằng cách nào…

Nhìn vào chương trình học này, ước gì các quan chức hay đại biểu Quốc hội cũng được học qua dù chỉ một hay hai học kỳ cũng giúp tránh những hiểu nhầm tai hại từng được phát biểu trên báo chí như kiểu tốc độ tăng trưởng phải cao hơn lạm phát bằng không lạm phát sẽ ăn hết tăng trưởng!  

Thế nên việc biên soạn chương trình và sách giáo khoa xin đừng rơi vào chỗ tranh luận mông lung, tốn công sức vào các khái niệm mơ hồ như “triết lý giáo dục”, “tinh thần tích hợp và phân hóa”, “phát triển phẩm chất và năng lực”…

Nên đi theo con đường mà mọi nước đã đi: đó là xuất phát từ thực tiễn cuộc sống, xem các em cần những kiến thức nền tảng gì, cần các công cụ nào để tự tìm hiểu, tự học hỏi suốt đời. Vai trò của giáo dục bao giờ cũng là chuẩn bị cho người học bước vào đời cho nên thời Trung Cổ học sinh mới học tiếng La Tinh, đánh kiếm, cỡi ngựa, kể cả thuật giả kim…

Ngày nay để bước vào đời thành công cần rất nhiều kỹ năng mà nhà trường phổ thông không thể nào cung cấp trọn vẹn cho tất cả học sinh. Bởi thế điều đầu tiên chương trình có thể làm là xác định một  số - ít thôi – các môn học bắt buộc mà bất kỳ học sinh nào cũng phải theo học như Toán Văn… Còn lại là các môn tự chọn kể cả Lý Hóa hay Âm nhạc, Hội họa… Mỗi học sinh thoải mái chọn môn mà các em ham thích, miễn sao hoàn tất đủ số môn bắt buộc và số môn tự chọn là được tốt nghiệp. Lúc đó không cần phân ban, không cần phân luồng gì nữa cả.

Nếu xác định được một chương trình giảng dạy như thế, vai trò của ngành giáo dục là khuyến khích việc giới thiệu càng nhiều môn tự chọn càng tốt; trường nào có các môn như Lập trình, Kiến trúc, Mỹ thuật, Ẩm thực, Du lịch, Viết báo… càng dễ thu hút học sinh và xây dựng uy tín riêng cho mình.

Và tinh thần biên soạn chương trình và sách giáo khoa cho từng môn không phải là ấn từ trên xuống những kiến thức áp đặt mà xuất phát từ nhu cầu quay trở ngược lại thành kiến thức cần thiết. Lấy ví dụ môn Tin học, báo chí từng viết về chuyện nhà trường vẫn đang dạy những nội dung lạc hậu như lập trình bằng ngôn ngữ Pascal. Cũng không cần dạy quá cụ thể như cách sử dụng Windows XP, Office 2003 vì các kiến thức loại này nhanh chóng lỗi thời. Nếu được quyền biên soạn chương trình, nội dung đầu tiên mà người viết muốn học sinh nắm được là kỹ năng tìm kiếm thông tin trên Internet – đó là kỹ năng nền tảng cho các kiến thức khác.

Quay trở lại môn Kinh tế như một môn tự chọn, một học sinh đã học qua nhập môn kinh tế học ắt sẽ có đủ kiến thức để khuyên ông anh không nên chạy theo món mồi bán hàng đa cấp, bảo bà chị thận trọng với khoản vay tính lãi theo ngày vì lãi mẹ đẻ lãi con, tính dùm ông bố thực chất món hàng mua trả góp đó giá bao nhiêu, kiểm tra lại giúp bà mẹ cái hợp đồng bảo hiểm xem có hợp lý không.


Điều đó sẽ khơi gợi ở học sinh niềm thích thú tìm hiểu sức mạnh của kiến thức kinh tế để biết đâu em sẽ trở thành một nhà kinh tế hay một doanh nhân thành công trong tương lai. Hay ít ra em cũng chọn cho mình một lập trường đúng đắn trước các vấn đề thời sự như đầu tư xây dựng sân bay Long Thành hay thôi.

Wednesday, November 19, 2014

Vốn xã hội ở Việt Nam

Vốn xã hội ở Việt Nam

(Bài này viết lâu rồi từ năm 2006, đăng trên báo Tia Sáng, giờ lưu lại ở đây để làm tài liệu. Lý do là có người hỏi Sở Kế hoạch Đầu tư một địa phương từ chối cấp phép cho một doanh nghiệp mang tên “Social Capital” vì theo họ cụm từ này dịch ra thành “xã hội tử hình”, vậy có đúng không. Haha. Sở giải thích tiếu lâm thiệt).

Lý giải hiện tượng hai cộng đồng dân cư có tài sản như nhau, nguồn lực bằng nhau, ở một mức xuất phát giống nhau nhưng một bên phát triển mạnh trở nên giàu có, một bên lụi tàn đến chỗ nghèo đói, người ta bắt đầu viện đến khái niệm vốn xã hội. Nếu có một thứ vốn như thế, tài sản vốn xã hội ở Việt Nam cao hay thấp, có đóng góp gì cho quá trình phát triển đất nước?

Nói một cách đơn giản nhất, vốn xã hội là những mạng lưới kết nối con người lại với nhau, cùng nhau giải quyết các vấn đề chung. Một ngôi làng bị bão tàn phá – nếu dân làng góp sức cùng nhau xây dựng lại nhà cửa thì kết quả sẽ cao hơn nhiều lần so với khi từng người đơn độc tự làm lấy.

Vốn xã hội ở đây không phải tự dưng mà có. Nó phải xuất phát từ một quá trình trải nghiệm chuyện “có đi, có lại”, trải nghiệm mức độ “chơi được” của người khác và kỳ vọng ở kết quả nhờ thành công ở những lần hợp tác trước. Cũng như người Việt Nam từng hiểu “Một cây làm chẳng nên non/Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”, vốn xã hội là một thực tế từ xưa nhưng chỉ trở thành đề tài thời thượng ở phương Tây vào cuối thập niên 1990.

Ở đây, cần lưu ý một số điểm trước khi nhìn lại vốn xã hội ở Việt Nam. Trước hết, vốn xã hội không chỉ là động lực thúc đẩy tiến bộ của xã hội bên cạnh vốn tài sản và vốn con người như các ví dụ ở trên. Nó còn có thể có tác động xấu.

Năm khu phố có năm tay lưu manh thì mọi người dù sao còn chịu được vì từng tên riêng lẻ không gây hại nhiều lắm, lại dễ bị khống chế. Nhưng nếu năm tay này liên kết với nhau thành một băng đảng thì hậu họa chúng gây ra tăng gấp hàng trăm lần cho cả một thành phố. Mafia, xã hội đen tồn tại đến bây giờ cũng nhờ biết “tận dụng”vốn xã hội của chúng.

Thứ nữa, các mạng lưới hình thành vốn xã hội thay đổi nhanh chóng. Ngày xưa lối sống khép kín của các cộng đồng dân cư nhỏ, như làng quê Việt Nam là môi trường xây dựng một loại vốn xã hội khác. Ngày nay, Internet, email, điện thoại di động lại là công cụ tạo dựng một loại vốn xã hội hoàn toàn khác. Tuy môi trường tác động lên vốn xã hội nhưng không thể kêu gọi chung chung rồi hy vọng nhờ vào “nhiệt huyết” mà vốn xã hội bỗng tăng lên theo kỳ vọng. Có thể nó sẽ tăng trong thời gian ngắn như trên thị trường vốn tài chính nhưng cũng sẽ nhanh chóng xẹp xuống một khi con người, qua trải nghiệm thực tế, không tìm thấy điều họ cần tìm.

Vốn xã hội phát huy tác dụng tích cực mạnh nhất ở một xã hội dân chủ nơi mọi người được tự do và tự nguyện tham gia các mạng lưới gắn kết cộng đồng và ngược lại nền dân chủ của một xã hội càng được củng cố một khi vốn xã hội ở đó mạnh lên. Cuối cùng, từ “vốn” có thể gây hiểu nhầm vì qua quan sát, người ta nhận ra một điều: vốn xã hội càng sử dụng càng tăng chứ không giảm như các loại vốn khác; thậm chí nếu không sử dụng, vốn xã hội sẽ dần dần triệt tiêu.

Cho dù những nhà nghiên cứu đang bất đồng về định nghĩa vốn xã hội sao cho trọn vẹn và chính xác, có thể thấy đa số đồng ý ở điểm vốn xã hội chỉ xuất hiện khi các cá nhân trong cộng đồng cùng chia sẻ một số chuẩn mực và giá trị làm cơ sở cho sự hợp tác. Vì thế có lẽ một khía cạnh quan trọng trong nền văn hóa của một xã hội có thể được dùng để đo lường mức vốn xã hội của cộng đồng. Đó là tính tập thể đối chọi với tính cá nhân.

Chính Robert Putnam, tác giả cuốn Bowling Alone (2000) nổi tiếng về vốn xã hội than phiền vốn xã hội nước Mỹ đang giảm thấp vì người Mỹ hiện đại sống mang tính cá nhân hơn trước nhiều.

Thế nhưng, khái niệm tính tập thể thường không được hiểu đầy đủ. Chúng ta thường gán cho tính tập thể những điều tốt đẹp, là sức mạnh của “ba cây chụm lại” và chê bai tính cá nhân. Điều đó đúng nhưng chưa đủ. Tính tập thể đúng là mối quan hệ chặt chẽ ở một xã hội nơi con người gắn kết nhau, sống dựa vào nhau. Và một khi đã dựa vào nhau như thế, cá nhân trong tập thể thường phải tôn trọng sự đồng thuận, ít thích va chạm, không muốn đối đầu, không muốn làm người khác mất mặt – một khái niệm rất quan trọng trong xã hội phương Đông.

Xét ở góc độ này người Việt Nam có tính tập thể cao. Nhưng điều đó chưa hẳn đưa đến kết luận vốn xã hội ở Việt Nam cao. Nó rất cao trong khuôn khổ gia đình khi cha mẹ có thể hy sinh tất cả cho việc học của con cái, trong bình diện cả nước khi có chiến tranh, lúc đó cá nhân sẵn sàng hy sinh thân mình vì lợi ích chung của cả đất nước. Nó cũng rất cao vì người dân Việt Nam rất tôn trọng tình làng nghĩa xóm, sẵn sàng chia sẻ cho người gặp bất hạnh.

Nhưng cũng như vốn tài chính, vốn xã hội sinh ra không chỉ để phục vụ cho nó – nó phải có tác dụng lên sự thịnh vượng của cộng đồng. Và ở đây, tính tập thể - nhìn ở góc cạnh tránh va chạm, muốn có đồng thuận, có thể làm thui chột sự đột phá của cá nhân, có thể có tác dụng nhân vốn xã hội lên gấp bội. Mạng lưới kết nối xã hội suy cho cùng là để nhằm thực hiện một mục tiêu chung nào đó, nếu tất cả chỉ chú trọng đến xây dựng quan hệ hòa đồng thì có nguy cơ quên mất mục tiêu ban đầu cho sự ra đời mạng lưới xã hội ấy.

Hơn nữa, vai trò cá nhân rất cần thiết để làm người tiên phong, vượt ra khỏi tập thể quen thuộc của mình, tiếp thu ý tưởng của tập thể khác để xây dựng mạng lưới liên kết mới. Các nhà nghiên cứu về vốn xã hội cũng nêu lên hiện tượng cá nhân lẩn tránh đằng sau một tập thể để giảm bớt sự đóng góp và tăng mức hưởng lợi từ tập thể. Chỉ có thể tránh hiện tượng này bằng một tập thể với những quy ước rõ ràng, minh bạch, tính chịu trách nhiệm cao của từng cá nhân. Một ông thứ trưởng quản lý như thế nào để các bộ phận bên dưới nhũng lạm với quy mô chưa từng thấy lại có thể dùng màn che tập thể để lẩn tránh trách nhiệm – ấy chính là chỗ yếu của tính tập thể trong tính toán vốn xã hội của chúng ta.

Ở bình diện lớn hơn, tính tập thể của xã hội có nguy cơ ngăn cản xã hội đó vươn ra bên ngoài vì chắc chắn họ sẽ gặp phải những giá trị khác, những chuẩn mực khác khó lòng chấp nhận đối với họ. Lúc đó, vốn xã hội hạn hẹp này sẽ đẩy xã hội đó đến chỗ bế tắc và trở nên trì trệ.


Mặt tốt và mặt xấu của tính tập thể hay, nói cách khác, tính tích cực và tính tiêu cực của vốn xã hội thể hiện rõ nhất trong thế giới làm ăn. Nếu sử dụng mối quan hệ giữa quyền lực và tiền bạc thành một liên kết riêng, mang tính loại trừ người khác để hưởng lợi cho riêng mình, thì đấy là một loại vốn xã hội nguy hại cho xã hội nói chung. Nó cũng giống mối quan hệ bên trong các băng đảng hay các nhóm khủng bố cuồng tín. Còn xây dựng một mối quan hệ mở, hướng ra bên ngoài, trên cơ sở mọi người tham gia cùng chia sẻ, cùng hưởng lợi, là cầu nối cho mọi cá nhân lúc đó tính tập thể mới biến vốn xã hội thành nguồn lực lớn cho phát triển.

Sunday, November 16, 2014

Kinh tế chia sẻ

Chia sẻ cũng không phải dễ

Bạn có nguyên một tầng lầu bỏ không nhưng không muốn cho thuê dài hạn vì những phiền toái khi cho thuê nhà. Bạn ước gì liên lạc được với du khách toàn thế giới, ai ghé lại Sài Gòn muốn ở nhà bình thường chứ không thích ở khách sạn thì cứ đến thuê nhà của bạn.

Ngày xưa ước muốn đó khó mà thực hiện; giỏi lắm bạn chỉ đủ tiền quảng cáo ở một vài tờ báo chứ làm sao đưa thông tin về căn nhà của bạn ra cho toàn thế giới.

Nhưng nay chuyện dàn xếp để người có nhu cầu thuê nhà với người có nhà cho thuê ngắn hạn đã dễ như trở bàn tay. Hàng loạt trang web ra đời mà nổi bật nhất là trang airbnb.com, hiện đang làm trung gian cho gần một triệu chỗ ở ngắn ngày tại 33.000 thành phố ở 192 nước. Số liệu năm ngoái cho thấy mỗi ngày trang này mai mối thành công cho gần 50.000 lượt thuê nhà ngắn hạn như thế ở khắp thế giới, kể cả ở Việt Nam. Gõ thử “Hanoi, Vietnam” vào trang airbnb.com, thấy có vài trăm chỗ chào cho thuê, từ hai ba chục đến cả trăm đô-la mỗi ngày.

Câu hỏi đầu tiên nảy sinh là làm sao chủ nhà tin tưởng cho một người lạ mặt vào nhà mình ở; làm sao du khách dám xách vali đến ở tại một nơi xa lạ lại không đăng ký kinh doanh như khách sạn. Airbnb xây dựng lòng tin nhờ vào nhận xét của cộng đồng, vào quy luật có đi có lại… Thậm chí các mạng xã hội khác như Facebook cung cấp ứng dụng xác minh người dùng cho Airbnb.

Bùng nổ nền kinh tế chia sẻ

Có lẽ đến giờ nhiều người ở Việt Nam đã nghe nói đến Uber, dịch vụ chia sẻ phương tiện đi lại theo mô hình taxi tư nhân.

Tuy nhiên ở đây phải nói ngay một nhầm lẫn giữa hai loại hình dịch vụ. Một bên là ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ cho các mô hình kinh doanh sẵn có. Ví dụ thay vì dung tổng đài để gọi taxi, người ta có thể dung các ứng dụng trên điện thoại thông minh như GrabTaxi, EasyTaxi, MoobiTaxi… để biết ngay chiếc taxi nào đang ở gần mình, đặt chỗ rồi gọi xe… Bên kia lại là kết nối giữa người có nhu cầu đi xe và người có xe sẵn sàng chở khách kiếm thêm tiền chứ không phải dân chạy taxi chuyên nghiệp. Cái sau chính là Uber.

Như vậy các dịch vụ như Uber hay Airbnb đang gây xáo trộn những ngành truyền thống đang hoạt động bấy lâu nay – thay vì hỗ trợ chủ khách sạn tiếp cận khách hàng, tài xế taxi kiếm khách nhanh hơn, chúng bỏ qua các nơi cung ứng dịch vụ theo con đường chính thống mà kết nối người dùng với nơi cung ứng dịch vụ phi truyền thống như người muốn cho thuê nhà theo kiểu tài tử, người dùng xe nhà chạy vài cuốc kiếm thêm ít tiền.

Nền kinh tế chia sẻ theo kiểu ấy không chỉ dừng lại ở Uber hay Airbnb, nó đang mở rộng ra nhiều lãnh vực khác nhau. Từ chia sẻ chiếc xe hơi, nhà mở rộng ra chia sẻ máy móc đắt tiền, chăm sóc thú cưng dùm cho người đi du lịch, làm việc nhà, thậm chí cho vay ngắn hạn… Có những dịch vụ mới nghe qua tưởng đâu chỉ có trong phim khoa học viễn tưởng như Auto Share của Verizon, người dùng chỉ cần quét chiếc điện thoại di động lên kính xe hơi đang đỗ ngoài phố để xác minh, nếu đúng là nhân vật đã đăng ký thì xe sẽ mở cửa và sẵn sàng cho sử dụng. Có cái nghe thật xa vời như cho thuê nguyên hòn đảo, cánh đồng, chỗ cắm trại hay thật vặt vãnh như cho thuê cái máy giặt trong hai giờ.

Phản đối cũng ầm ĩ không kém

Phản ứng lại các dịch vụ chia sẻ nói trên đầu tiên là các nơi cung cấp dịch vụ truyền thống. Chắc chắn các hãng xe taxi sẽ không muốn bị cạnh tranh hớt khách trên tay bởi hàng ngàn hãng xe taxi không tên tuổi, mỗi ông chủ chỉ một chiếc xe lại sẵn sàng phục vụ bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu. Chắc chắn các khách sạn không vui vẻ gì khi một tỷ lệ ngày càng lớn du khách dùng Airbnb, bỏ qua hệ thống khách sạn truyền thống.

Mới đây nhất là chuyện Sở Giao thông vận tải TPHCM đề nghị Bộ Giao thông vận tải có chỉ đạo để làm rõ tính pháp lý đối với dịch vụ xe Uber. Uber cũng bị giới taxi nhiều nước phản đối vì theo họ đã cạnh tranh không lành mạnh như một dạng hoạt động chui, không đóng thuế. Những người tham gia vào mạng lưới cho thuê nhà kiểu Airbnb chắc chắn sẽ gặp khó khăn nếu giới khách sạn kêu cứu vì chỉ cần siết lại chuyện đăng ký tạm trú hay đăng ký kinh doanh là coi như bị phá vỡ hợp đồng.

Phản đối thì phản đối, vấn đề quan trọng là các nhà quản lý nghĩ sao về các loại hình kinh tế hoàn toàn mới này.

Phản ứng từ các doanh nghiệp chắc không đủ để nhà làm chính sách phải ra tay hạn chế nền kinh tế chia sẻ vì doanh nghiệp truyền thống bị thua thiệt thì người tiêu dùng và hàng loạt “doanh nghiệp” tí hon sẽ hưởng lợi – cái lợi chung của nền kinh tế ắt sẽ lớn hơn thiệt hại mà nó gây ra.

Điều then chốt là nhà nước có thể thu thuế dễ dàng từ doanh nghiệp đã đăng ký hoạt động như hãng xe taxi hay chuỗi khách sạn; ngược lại họ sẽ không thu được đồng thuế nào từ các “doanh nghiệp bất đắc dĩ” trong nền kinh tế chia sẻ. Và đây mới chính là động lực để nhà nước “quản” các loại hình dịch vụ như Uber hay Airbnb.

Tuy nhiên ở các nước phát triển, nếu cá nhân hưởng lợi từ việc cho thuê nhà, thuê xe, ắt thu nhập của họ sẽ tăng lên và nhà nước sẽ thu thuế từ đó. Tức thay vì thu thuế thu nhập doanh nghiệp, nhà nước sẽ thu thuế thu nhập cá nhân chứ không mất đi đâu cả.

Một phản đối lớn hơn là tính bất ổn của nền kinh tế chia sẻ gây ra. Thử hỏi có chính quyền nào dám công khai cho phép một loại hình kinh doanh hoạt động mà họ không kiểm soát được. Giả thử xảy ra vài vụ án mạng hay cướp bóc từ việc chia sẻ phòng ngủ, cho đi xe nhờ thì áp lực dư luận bắt kiểm soát loại hình này sẽ lên cao đến đâu.

Tương lai sẽ như thế nào?

Nói gì thì nói, ở những nước như Việt Nam, tư duy “quản không được thì cấm” vẫn còn rất mạnh. Cho nên có thể tiên đoán sẽ sớm có những quy định hạn chế các dịch vụ chia sẻ như Uber hay cấm hẳn Airbnb bằng cách cấm cho người nước ngoài thuê nhà tư nhân.

Tuy nhiên, trong thời đại công nghệ và mô hình kinh doanh thay đổi như chong chóng ngày nay, cứ cấm đoán theo kiểu cũ trước sau gì cũng thất bại.

Giả dụ người dùng Airbnb cứ tiến hành giao dịch, không màng đến giới quản lý thì sao? Quan trọng hơn, nếu không hiểu và thích nghi với các mô hình phát triển mới, chúng ta sẽ đánh mất tính sáng tạo và năng động của nền kinh tế. Chính vì thế mà thành phố San Francisco vừa sửa luật để tạo điều kiện cho mọi người chia sẻ nhà hay phòng ở qua Airbnb dễ dàng hơn.

Bản chất của các mô hình thành công mới là đóng vai trò trung gian. Ví dụ Facebook là nơi trung gian cho hàng triệu triệu con người trao đổi thông tin với nhau, Facebook không thu phí mà tìm lợi nhuận từ quảng cáo cho chính hàng triệu triệu con người đó xem. Nhiều trang tương tự ở nước ngoài dùng khái niệm “user-generated content” (nội dung do người dùng tạo ra) để hoạt động, vừa khỏi tốn chi phí sản xuất nội dung vừa thu hút số lượng người đông đảo. Chính những thành công của các trang mang tính diễn đàn như thế như Tinh Tế ở Việt Nam làm chúng ta phải suy nghĩ về cách thức quản lý.

Nhìn rộng ra, hiện nay đã có những mô hình kinh doanh hoàn toàn mới trước đây chưa ai nghĩ là có thể tồn tại. Ví dụ gọi vốn cho những sản phẩm chỉ mới là ý tưởng, bán sách chưa viết xong, tự xuất bản, tự phát hành qua mạng…

Thử tượng tượng đến một ngày đẹp trời nào đó, mọi thứ chúng ta đang sở hữu đều có thể được rao để chia sẻ, bất kỳ ai mong muốn “mượn” đồ của chúng ta đều có thể tham gia, phần mềm trên chiếc điện thoại sẽ lo hết mọi thứ để cuối cùng thu xếp cho cung cầu gặp nhau. Phần còn lại chỉ là vấn đề hậu cần.


Cái hay là Việt Nam và người dân Việt Nam hoàn toàn có thể tham gia vào nền kinh tế chia sẻ ngang bằng với các nước khác, không ngại trình độ công nghệ hay cơ sở hạ tầng. Có lẽ quan niệm “trình độ quản lý phải tiến kịp với trình độ phát triển” ngày càng đúng hơn bao giờ hết.

Saturday, November 15, 2014

Giá dầu biến động - do đâu?

Giá dầu biến động - do đâu?

Giá dầu đang giảm mạnh, tính từ giữa tháng 6-2014 đến giữa tháng 10-2014 đã giảm trên 25 đô la/thùng.

Chỉ đến khi giá dầu xuống mức xấp xỉ 80 đô la Mỹ/thùng, người ta mới sực nghĩ đến cuộc cách mạng dầu đá phiến đang diễn ra, có tiềm năng thay đổi tận gốc rễ tình hình địa chính trị, kinh tế cũng như cán cân quyền lực trên toàn thế giới.

Thế nhưng cuộc cách mạng dầu khí đá phiến là gì? Và nó có ảnh hưởng thế nào đến giá dầu thô trên thế giới?

Một chút lịch sử

Xưa nay nói đến dầu, người ta chỉ nghĩ đến dầu thô khai thác từ những giếng dầu truyền thống trên đất liền hay ngoài biển. Và nói đến dầu thô, nhiều người cũng nhớ ngay đến dự báo của King Hubbert từ năm 1956 rằng lượng dầu khai thác được sẽ đạt đỉnh vào thập niên 1970 rồi giảm dần đến chỗ cạn kiệt. Trong nhiều năm người ta tin vào tiên đoán này, nhất là khi giá dầu ngày càng tăng vì chi phí khai thác cao, xung đột tranh giành ảnh hưởng lên các vùng nhiều dầu làm dầu mang tính địa chính trị đậm nét. Chỉ mới cách đây một thập niên, người Mỹ cũng nghĩ rằng nguồn cung dầu thô của họ sẽ cạn kiệt dần nên mọi chính sách đối ngoại dường như tập trung vào “lợi ích của Hoa Kỳ” mà nói trắng ra là các giếng dầu ở Trung Đông.

Thế rồi mọi chuyện thay đổi khi Mỹ hoàn thiện công nghệ khai thác dầu khí đá phiến trong đầu thập niên 2000. Nói ngắn gọn, nhờ vào sự phát triển của hai công nghệ ép vỉa thủy lực (hydraulic fracturing, còn được dịch thành nứt vỡ thủy lực) và khoan ngang, Mỹ đã vượt qua các nước khác, đi tiên phong trong lĩnh vực khai thác dầu khí đá phiến. (Xem thêm bài Cuộc cách mạng dầu khí đá phiến).

Trong khi trữ lượng dầu thô truyền thống của Mỹ là 164 tỉ thùng thì trữ lượng dầu đá phiến cũng lên đến 58 tỉ thùng, nâng tổng trữ lượng dầu thô của Mỹ vào khoảng 222 tỉ thùng. Để so sánh, các con số này của toàn thế giới lần lượt là 3.012 tỉ thùng dầu truyền thống, 345 tỉ thùng dầu đá phiến và tổng trữ lượng là 3.357 tỉ thùng. Tính ra thì trữ lượng dầu đá phiến của Mỹ chiếm đến một phần tư tổng trữ lượng dầu mỏ của nước này; trong khi trên thế giới, dầu đá phiến chỉ chiếm một phần mười tổng trữ lượng.

Từ năm 2005-2013, sản lượng khai thác dầu và khí đá phiến ở Mỹ tăng từ 5% lên đến 35% tổng lượng dầu khí khai thác ở nước này. Hiện Mỹ đã vượt Nga, trở thành nước sản xuất khí đốt lớn nhất thế giới. Còn dầu thì từ năm 2008 đến nay, sản lượng Mỹ khai thác đã tăng đến 70%, lên mức 8,7 triệu thùng/ngày. Theo nhiều dự đoán đáng tin cậy, trong vòng vài năm tới lượng dầu thô khai thác ở Mỹ sẽ vượt mức đỉnh 10 triệu thùng/ngày từng đạt được vào thập niên 1970, và tiếp tục có cơ qua mặt cả Nga và Ảrập Saudi thành nước sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới. Còn nếu tính tổng sản lượng dầu thô quy đổi - bao gồm dầu thô và các loại khí thiên nhiên dạng lỏng (natural gas liquids - NGL) - thì Mỹ đã đạt mức 11,5 triệu thùng/ngày và đã vượt qua cả Nga lẫn Ảrập Saudi lên hàng đầu thế giới vào tháng 7-2014 vừa qua, theo thống kê chính thức của Cơ quan Năng lượng quốc tế IEA.

Tại sao giá dầu thô giảm mạnh

Gần như ngay tức thì khi cuộc cách mạng dầu khí đá phiến bùng nổ, nhu cầu nhập khẩu dầu thô của Mỹ giảm xuống rõ rệt. Nên nhớ cách đây khoảng 10 năm Mỹ còn phải nhập gần 11 triệu thùng dầu thô mỗi ngày để đáp ứng nhu cầu trong nước và chỉ xuất khẩu khoảng 1,5 triệu thùng dầu thành phẩm (mà ta có thể gọi nôm na là xăng dầu). Nhưng tính đến cuối năm 2013, Mỹ chỉ còn phải nhập 7 triệu thùng dầu thô mỗi ngày và xuất khẩu đến gần 4 triệu thùng dầu thành phẩm. Ở quốc gia tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới mà cầu giảm trong khi cung lại tăng nên chẳng lạ gì giá dầu thế giới có thể coi là bình ổn trong vài năm gần đây và giảm mạnh trong thời gian mấy tháng vừa qua. Bất kể các cuộc khủng hoảng xung đột xảy ra tại các khu vực xuất khẩu dầu thô như Libya (vụ chính quyền Tổng thống Gaddafi bị lật đổ), tại Trung Đông (với việc Nhà nước Hồi giáo (IS) tuyên bố thành lập), hay vụ xung đột giữa Nga và Ukraine, giá dầu thô trên thế giới không hề tăng như xưa nữa.

Khi giá dầu giảm dưới mức 80 đô la/thùng, nhiều nước sản xuất dầu thô nếu tính toán không khéo sẽ bị lỗ nặng. Thế nhưng chi phí sản xuất dầu đá phiến thì ngày càng giảm. Nhờ liên tục cải tiến công nghệ và sự cạnh tranh giữa các công ty cung cấp dịch vụ khoan, chi phí khai thác mỗi thùng dầu đá phiến ở nhiều nơi trên nước Mỹ chỉ còn khoảng 30 đô la/thùng từ năm 2012, theo một báo cáo của Morgan Stanley. Như vậy nhiều nhà sản xuất dầu ở Mỹ còn có thể chịu được dù giá rớt xuống mức 50 đô la/thùng.

Tất cả những yếu tố đề cập trên đang được đặt lên bàn cân của các nước trong một ván cờ hoàn toàn mới lạ so với trước.

Kẻ cười người khóc

Hiện tượng giá dầu giảm lần này không phải do biến động chính trị mà do cung tăng bền vững, đều đặn nên chắc chắn mức giá giảm sẽ còn tiếp tục cho đến chừng nào các nước sản xuất dầu thô truyền thống như Ảrập Saudi (đại diện tiêu biểu của khối OPEC) hay Nga chịu không nổi phải giảm sản lượng để giữ giá dầu, tránh sự thâm hụt ngân sách thêm trầm trọng. Có vẻ như Ảrập Saudi và cả Nga đang muốn chơi trò “cù cưa” với Mỹ nhằm đo lường xem Mỹ trụ lại được bao lâu khi giá dầu giảm. Tuy nhiên, có thể thấy ngay là “trò chơi nguy hiểm” này cũng sẽ chẳng làm Mỹ suy yếu đi bao nhiêu mà ngược lại, có thể rơi vào trường hợp “gậy ông đập lưng ông”.

Lý do dự đoán Mỹ không suy yếu bao nhiêu là vì: Mỹ vẫn chưa bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu thô cho nên sản lượng dầu đá phiến tăng đều đặn hoàn toàn được cung cấp cho thị trường nội địa. Giá dầu giảm có chăng sẽ làm giảm mức tăng sản lượng dầu thô của quốc gia này (vì nguồn đầu tư vào hoạt động khai thác dầu sẽ giảm) chứ không thể ảnh hưởng tiêu cực lên nền kinh tế đa dạng và đang trên đà hồi phục. Đó là chưa kể nguồn cung khí đốt khai thác từ đá phiến dồi dào dẫn đến giá khí đốt tại Mỹ vẫn rất rẻ so với bình diện chung kéo theo hàng loạt ngành công nghiệp khác phát triển và thu hút nhiều đầu tư từ nước ngoài. Giá khí đốt tại Mỹ hiện nay vào khoảng 4 đô la trên một đơn vị năng lượng BTU so với 11-12 đô la ở thị trường châu Âu và 16-17 đô la tại thị trường châu Á.

Một vấn đề nữa cần chú ý là loại dầu khai thác từ đá phiến là dầu ngọt và nhẹ trong khi dầu của Ảrập Saudi là loại nặng và chua (vì chứa nhiều lưu huỳnh) nên dù Ảrập Saudi có “đổi ý” muốn giảm sản lượng hòng bình ổn giá dầu cũng không thay đổi được mức cung ngày càng tăng cao của loại dầu ngọt và nhẹ. Nghĩa là họ cũng chẳng còn khả năng xoay chuyển, thao túng tình hình như những thập kỷ trước.

Nền kinh tế thế giới cũng chưa có biến chuyển gì mới nên phía cầu xem như sẽ không tăng mạnh như những năm trước cuộc khủng hoảng tài chính 2008.

Trước mắt những nước nhập khẩu dầu nhiều như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ có lợi; các nước xuất khẩu dầu mạnh như Nga và Trung Đông thì đang rầu thúi ruột bởi những khía cạnh vừa được phân tích. Chính vì giá dầu giảm mạnh đã đẩy nền kinh tế Nga rơi vào khó khăn, đồng rúp mất giá chứ chưa hẳn là kết quả của lệnh cấm vận do Mỹ và châu Âu áp đặt. Và chính giá dầu làm xung đột ở Trung Đông, bất kể các tít báo IS chặt đầu, đốt phá khắp nơi, đã không bùng phát lên dữ dội như ngày xưa. Vai trò Trung Đông như một nguồn cung dầu quan trọng cho thế giới vẫn còn đó nhưng một khi giá dầu không còn bị giữ làm con tin để mặc cả nữa thì nơi này không còn là điểm nóng địa chính trị.

Nếu giá dầu Brent rơi xuống mức 80 đô la/thùng thì theo tính toán của tờ Financial Times, các nước OPEC sẽ hụt mất 200 tỉ đô la trong 1.000 tỉ đô la doanh thu từ dầu thô.

Trên bình diện cả thế giới thì giá dầu giảm như hiện nay là một cú hích theo dạng kích cầu quan trọng, trị giá chừng 1,8 tỉ đô la mỗi ngày, hay 600 tỉ đô la tính theo năm. Ví dụ, mỗi gia đình Mỹ hiện đang xài bình quân 2.900 đô la/năm tiền xăng dầu và khí đốt thì mức giảm tương đương khoản tiền tiết kiệm chừng 600 đô la để chi tiêu vào việc khác.


Tóm lại, nhờ vào cuộc cách mạng dầu khí đá phiến đang diễn ra mạnh mẽ tại Hoa Kỳ mà các nước OPEC không còn có thể thao túng thị trường dầu mỏ của thế giới như trước đây. Cuộc diện địa chính trị thế giới có thể còn nhiều biến đổi trong thời gian tới.

Monday, November 10, 2014

Khoa học viễn tưởng

Khoa học viễn tưởng đã tới – có thật không?

Nguyễn Vạn Phú

Thời niên thiếu, tôi từng say đắm truyện khoa học viễn tưởng, từ loại du hành vào các thiên hà xa xôi đến loại đi vào lòng trái đất nóng chảy, huyền bí. Nhưng thích nhất vẫn là loại truyện mà nhân vật chính là các chú rô-bốt nhìn bề ngoài như người thật lại có năng lực siêu nhiên, siêu phàm.

Tôi từng ước mình có một chú rô-bốt luôn ở bên cạnh, khi cần hỏi từ đây lên Mặt Trăng bao xa là chú trả lời ngay. Khi cần bảo chú làm toán giùm, hay học thuộc bài rồi dùng phương tiện “truyền âm nhập mật” để nhắc vào tai tôi mặc dù ở xa vài ba cây số.

Ước mơ lụi tàn dần cho đến một hôm bỗng sực nhớ, tất cả những năng lực siêu nhiên đó hiện đã có mặt quanh ta, chỉ có điều không ở dưới dạng chú rô-bốt giống con người. Chỉ cần chiếc điện thoại di động cỡ trung, bạn cũng đã có thể bật phần mềm hỏi đáp lên, hỏi các câu (bằng tiếng Anh) như từ Trái đất lên Mặt Trời bao nhiêu cây số, tốc độ âm thanh là bao nhiêu, nhiệt độ hiện nay ở Tokyo là mấy độ, tỷ giá đô-la Úc hôm nay bao nhiêu... Máy sẽ trả lời rành rọt còn hơn chú rô-bốt trong trí tưởng tượng ngày xưa của tôi.

Mới hôm kia, báo chí tường thuật một ứng dụng mới, chỉ cần dùng máy chụp ảnh trên điện thoại quét qua bài toán giải phương trình, bấm một cái là có kết quả ngay. Nếu cần máy sẽ cho bạn biết cách giải bài toán từng bước, từng bước để chép nộp cho thầy.

Hầu như nhiều điều mấy chục năm về trước người ta còn đưa vào các truyện khoa học viễn tưởng nay đã thành hiện thực nhưng ít ai để ý. Đã có xe hơi tự lái, tự đỗ khi cần tự chạy từ ngoài sân đỗ vào cửa đón bạn; đã có máy bay không người lái, ở suốt trên trời khi cần người ta bấm nút sai nó xuống ném bom giết người ở tận Trung Đông. Chuyện hai người ở hai đầu Trái Đất nói chuyện mà thấy mặt nhau thì quá thường rồi.

Thế nhưng có những khác biệt giữa chú rô-bốt ngày xưa và máy móc tự động ngày nay. Ngày xưa các chú sống theo ba nguyên tắc mà nhà văn khoa học viễn tưởng Isaac Asimov đặt ra: Rô-bốt không được hại con người; Rô-bốt phải tuân lệnh người trừ phi lệnh đó xung đột với nguyên tắc đầu tiên; Rô-bốt phải tự bảo vệ mình miễn sao không vi phạm nguyên tắc đầu và nguyên tắc thứ nhì.

Ngày nay, máy tính, mạng Internet mạnh hơn, thông minh hơn các chú rô-bốt nhiều. Thế nhưng giả thử có ai dùng Facebook để lừa đảo người khác, mặc dù thuật toán dễ dàng cho Facebook biết ngay họ có ý đồ lừa đảo (dựa vào quá khứ sử dụng của người này) nhưng Facebook vẫn dửng dưng để mặc kẻ xấu dụ dỗ người cả tin. Các máy bay drone không người lái ngoan ngoãn giết người không gớm tay. Máy tính bảng dễ dàng biết người dùng chúi mặt vào màn hình quá lâu, có hại cho sức khỏe nhưng đời nào nó tự tắt, tự phát tín hiệu cảnh báo.

Và những vấn đề đạo lý hiện đang cản trở các chú rô-bốt hoàn thiện hơn nữa: Giả thử xe không có người lái, gây tai nạn thì ai chịu trách nhiệm?

Khoa học viễn tưởng đã đến nhưng từ năng suất cho đến hạnh phúc, nó không làm con người thỏa mãn. Những tưởng với những đột phá trong công nghệ, từ các phần mềm đơn giản như bảng tính Excel đến các cơ sở dữ liệu khổng lồ, con người sẽ làm việc hiệu quả gấp trăm lần ngày xưa. Có ai tưởng nỗi chỉ cần cái laptop là có thể tính toán tiền lương cho cả chục ngàn người. Nhưng không, năng suất lao động của nhân loại không tăng được chút nào cả.

Còn nói về chuyện hạnh phúc, cứ nhìn vào bất kỳ tấm ảnh nào miêu tả con người ngồi cạnh nhau trong tiệm ăn, trong phòng chờ sân bay không nói chuyện với nhau mà mỗi người chúi mũi vào màn hình riêng của mình mới thấy càng ngày cuộc sống ảo càng lấn lướt cuộc sống thật.

Ngày xưa truyện khoa học viễn tưởng khai thác đề tài chiến tranh giữa người máy với con người; nay máy móc đang hủy diệt hay thay đổi tận gốc rễ nhiều ngành nghề mà ít ai để ý như sách báo, in ấn, âm nhạc. Chẳng bao lâu nữa, các ngành dịch vụ như khách sạn, taxi sẽ bị xáo động dữ dội do chi phí sắp xếp để bên cung gặp bên cầu nhờ máy móc mà xuống thấp bằng không  bèn nảy sinh các dịch vụ mới như Uber, như Airbnb... Nói chung nền kinh tế chia sẻ sẽ lên ngôi, nền kinh tế cung ứng truyền thống sẽ mai một.

Có lẽ tất cả những nghịch lý này đang diễn ra và ngày càng mạnh hơn là do ngày xưa mọi truyện khoa học viễn tưởng đều giả định xã hội đồng nhất, ai cũng tiếp cận máy móc như nhau. Còn ngày nay, bên cạnh những người thừa hưởng hay chịu đựng các tiến bộ công nghệ mới nhất vẫn còn một tỷ lệ rất lớn nhân loại đứng ngoài rìa, ngày càng tụt lại đằng sau.

Ở đó, sự mù quáng sẽ thổi bùng xung đột tôn giáo, sắc tộc, tô đậm lòng tham, sự thù hận... những điều mà không máy móc nào giải quyết được. Có lẽ vì thế giấc mơ khoa học viễn tưởng vẫn luôn là giấc mơ nằm ở phía trước, xa thật xa.


Wednesday, October 22, 2014

Học văn để làm gì?

Học văn để làm gì?

Phải công nhận Bộ Giáo dục & Đào tạo rất tài tình; chỉ bằng một động tác thay đổi cách tuyển sinh đại học là bộ này bắt cả xã hội phải thao thức với câu hỏi muôn đời: Học văn để làm gì?

Với ngành y tế thì câu trả lời dường như có sẵn: Dùng môn văn xét tuyển ngành y?

Lý do được người đứng đầu ngành y tế lý giải rất gọn: “Tôi phải nói thật là môn văn rất cần. Trong quá trình làm việc, nhiều người viết báo cáo mà ngữ pháp sai rất nhiều, chưa nói đến lỗi chính tả. Viết sai thì tư duy cũng sai, nói cũng không tốt được” (Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến).

Bà Tiến nói quá chính xác và đó cũng có thể là lý do để hàng ngàn ngành nghề khác đòi hỏi người dự tuyển cần giỏi văn bởi không chỉ riêng bác sĩ, y tá cần viết đúng ngữ pháp, không sai lỗi chính tả mà hàng ngàn ngành nghề khác cũng cần.

Nói đâu xa, ngay cả Mark Zuckerberg mà có quyền ở Việt Nam, ắt anh ta sẽ yêu cầu người nào muốn tham gia cái mạng Facebook do anh điều hành phải viết sạch nước cản, diễn đạt rõ ràng, không viết lung tung như gã ngọng. Nói cho cùng anh chàng Mark này đang làm tờ báo khổng lồ trong đó mọi người dùng là kẻ viết bài liên tục cho anh ta, còn nhân viên của Facebook chỉ việc lo bán quảng cáo kiếm tiền. Viết bài cho Mark mà sai ngữ pháp, sai chính tả, ai mà chịu.

Nhưng, khoan đã! Những kỹ năng nói ở trên là kỹ năng ngôn ngữ, tức là môn tiếng Việt chứ đâu phải môn Văn?

Môn Văn nó phức tạp hơn nhiều. Ví dụ nhà văn  William Faulkner nổi tiếng (Giải Nobel Văn chương năm  1949) chuyên viết những câu văn đọc muốn bể cái đầu, dài như cọng rau muống, câu dài nhất ông này từng viết trong cuốn Absalom, Absalom! dài đến 1.288 chữ. Thế mà khi lên nhận giải Nobel ông nói như thế này về sứ mệnh nhà văn và qua đó gián tiếp nói về vai trò của văn học: “Tiếng nói của nhà thơ không chỉ để ghi lại câu chuyện con người, nó còn là cột chống, trụ đỡ để giúp con người trụ lại và vượt qua”.

Bởi vậy, không có gì ngạc nhiên khi nhiều người đồng tình là cần dùng môn văn để tuyển bác sĩ tương lai, không phải vì chuyện chính tả mà cao sang hơn, là mong muốn người bác sĩ giỏi văn sẽ không chơi ép bệnh nhân, kê thuốc không vì chữa bệnh mà vì tỷ lệ hoa hồng. Mong muốn của họ là văn sẽ giúp hình thành nhân cách con người, kể cả lòng tự trọng, nói chung là cái người ta thường gọi là y đức.

Nhưng, hượm đã! Cái đó là chuyện đạo đức, hiện được giao cho các môn như giáo dục công dân chứ đâu phải môn văn? Còn nếu môn giáo dục công dân đi dạy các chuyện xa vời như “phủ định siêu hình”, “phủ định biện chứng”… đó là chuyện của môn này, không bàn ở đây.

Nhà phê bình Dana Stevens viết trên tờ New York Times để lý giải người ta cần văn chương làm gì. Cô viết: “Văn chương là kẻ sinh đôi thất lạc từ lâu của cuộc đời, là kẻ đóng thế xấu xa, là tấm lót mượt như nhung, là hồn ma than khóc của cuộc đời”. Ý cô muốn nói văn chương ghi lại tất cả những gì còn lại từ cuộc đối thoại của mọi nhân chứng cuộc đời, giữa những người đang còn sống và mọi kẻ quá vãng về đam mê, thương yêu, thù hận, giận dữ, nỗi buồn, niềm vui… Còn có ai dạy cho ta biết về những điều đó ngoài văn chương.

Chính ở đây mà chúng ta mới hiểu vì sao những nhà khoa học, những nhà toán học, kể cả những bác sĩ tài ba, hầu như tất cả đều đam mê văn chương, rành rẽ về văn chương – và chính ở đây mới tồn tại niềm hy vọng những người bác sĩ tương lai, nếu từng học được lòng trắc ẩn, sự cảm thông, lòng tự trọng, sự phù du của đồng tiền mới tự miễn dịch chống lại mọi lề thói xấu xa đang bao bọc lấy anh ta.

Điều đáng buồn, môn Văn ở nhà trường hiện nay chưa làm được ngay cả mức độ thấp là trao cho người học kỹ năng ngôn ngữ để đọc thông viết thạo tiếng mẹ đẻ. Ở mức độ rung lên từng sợi dây cảm xúc của học trò để những cái như lòng cam đảm, đam mê, hoài bão, nói chung là mọi xúc cảm cần thiết để làm người trọn vẹn thì môn Văn đang bế tắc, đang giết lần giết mòn những rung cảm còn sót lại ở học sinh vì sự khô cứng, khuôn mẫu và gò ép.

Vậy, phải chăng đừng hỏi “Học văn để làm gì?” – hãy hỏi “Học văn thế nào”, mới chính là câu hỏi đúng.


Saturday, October 11, 2014

Hiểu nhầm tai hại

Hiểu nhầm tai hại

Mỗi khi nói đến nợ xấu, người ta thường mắc phải một số hiểu nhầm và điều đáng nói là những hiểu nhầm này lại khá phổ biến.

Dự phòng rủi ro có sẵn đó để giải quyết nợ xấu

Hiểu nhầm đầu tiên và phổ biến nhất là cái suy nghĩ đối chọi với nợ xấu là con số “dự phòng rủi ro” mà các ngân hàng đã trích lập. Nhiều người cứ tưởng đây là một khoản tiền mà các ngân hàng đã để riêng ra một bên, nằm trong một cái quỹ, nếu cần cứ lấy ra để xử lý nợ xấu.

Hoàn toàn không phải như vậy. Trong báo cáo tài chính của các ngân hàng, dự phòng rủi ro là con số âm! Đã là con số âm thì làm gì có chuyện lấy nó để giải quyết nợ xấu.

Một khoản vay 100 tỷ đồng, đã hơn một năm nay khách hàng không trả lãi cũng chẳng trả vốn, theo quy định thì ngân hàng phải “trích lập dự phòng” 100% cho khoản vay này. “Trích lập dự phòng” ở đây chỉ là một bút toán ghi thành con số âm bên tài sản (ví dụ âm 40 tỷ đồng, 60 tỷ đồng là trị giá tài sản thế chấp theo tỷ lệ). Và để cân đối bên vốn chủ sở hữu phải giảm trừ 40 tỷ đồng cho bằng nhau.

Như vậy dự phòng càng lớn có nghĩa nợ xấu được thừa nhận càng lớn.

Và khái niệm sử dụng dự phòng rủi ro để giải quyết nợ xấu phải hiểu theo nghĩa lúc đó ngân hàng xem như thua cuộc, không còn một mảy may hy vọng đòi được nợ bèn xóa khoản nợ ấy ra khỏi tài sản (đồng thời xóa luôn được con số dự phòng rủi ro âm nói trên). Dĩ nhiên việc xóa nợ như thế phải đáp ứng một số điều kiện nghiêm nhặt và cho đến nay ngân hàng cũng không mặn mà áp dụng. Hãy nhìn lại cái ví dụ ở trên, nếu xóa nợ theo cách đó thì ngân hàng đồng thời phải phát mại tài sản đảm bảo để thu hồi 60 tỷ đồng. Trong tình hình tài sản đảm bảo phần lớn là bất động sản, từng được định giá quá cao nay lại khó bán thì xử lý nợ đồng nghĩa đối diện rủi ro phải dùng thêm dự phòng chung để bù vào mới đủ.

Ngân hàng hăm hở bán nợ cho VAMC

Một hiểu nhầm thứ nhì là các ngân hàng không phải lo vấn đề nợ xấu vì đã có Công ty Quản lý tài sản VAMC mua nợ cho họ và theo trả lời phỏng vấn của một số quan chức thì nhà đầu tư nước ngoài đang hăm hở mua lại nợ xấu từ VAMC.

Trở lại với khoản nợ 100 tỷ đồng giả định nói trên, nếu để nguyên trong ngân hàng thì họ không phải làm gì cả. Nhưng giả dụ họ bán cho VAMC thì sẽ thu được 60 tỷ đồng (trừ 40 tỷ đồng là dự phòng rủi ro đã trích lập). Và cũng ngay lập tức hàng năm trong 5 năm liên tục họ phải trích ra thêm 12 tỷ mỗi năm để sau năm năm đủ tiền mà xóa khoản nợ ấy đi khi nhận lại từ VAMC.

Từ khi ra đời đến đầu tháng 9 năm nay VAMC đã mua gần 60.000 tỷ đồng nợ xấu từ các tổ chức tín dụng. Điều đó có nghĩa các tổ chức tín dụng này cũng đã giảm trừ lợi nhuận (và nếu không có lợi nhuận thì giảm trừ vào vốn chủ sở hữu một khoản tiền không nhỏ là 12.000 tỷ đồng).

Đó là lý do tại sao năm 2013 chúng ta còn nghe thông tin VAMC mua nợ được cập nhật khá thường xuyên còn năm 2014 thì im ắng. Đó cũng là lý do chính vì sao các ngân hàng đang ngồi trên đống tiền, thanh khoản hết sức dồi dào mà không cho vay ra được.

Nợ xấu đã bộc lộ, giờ chỉ còn tìm cách giải quyết

Điểm thứ ba thật ra không phải là sự hiểu nhầm nữa mà ai cũng thừa nhận con số nợ xấu thật sự không ở mức như được công bố. Tuy nhiên cao hơn bao nhiêu thì chỉ có Ngân hàng Nhà nước và từng ngân hàng nắm rõ nhất.

Lấy ví dụ Quyết định số 780/QĐ-NHNN cho phép các tổ chức tín dụng được cơ cấu lại nợ và chính NHNN trong báo cáo gởi Quốc hội vào năm ngoái cũng nói rõ: “Đến cuối tháng 4/2013, tổng số dư các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm theo Quyết định số 780/QĐ-NHNN là 284,4 nghìn tỷ đồng”.

Cho các ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ thì cả chủ nợ và con nợ đều thở phào nhẹ nhỏm nhưng bản chất vấn đề vẫn còn nguyên đó.

Cái tai hạn của việc cơ cấu lại này là nhờ nó mà ngân hàng hoặc không trích lập dự phòng rủi ro theo quy định hay trích lập không đủ theo tỷ lệ của từng nhóm nợ xấu. Thời gian càng trôi qua, nợ xấu càng không được giải quyết thì món nợ phải trích lập dự phòng rủi ro ngày càng lớn. Thử hỏi ngân hàng ngồi trên những khoản nợ “chưa xấu” như thế thì lòng dạ nào mà tung tiền ra cho vay, nợ “chưa xấu” trì hoãn gì cũng trở thành nợ xấu, lúc đó gánh nặng trích lập dự phòng, khấu trừ hết vốn e cũng chưa đủ.





Tuesday, September 30, 2014

Hệ lụy từ một quy định

Hệ lụy từ một quy định

Có lẽ nhiều người ngoài ngành báo chí ít biết một quy định khá là khắc nghiệt đối với quảng cáo trên báo in. Đó là “Diện tích quảng cáo không được vượt quá 15% tổng diện tích một ấn phẩm báo hoặc 20% tổng diện tích một ấn phẩm tạp chí” (Luật Quảng cáo 2012). Trước đó, mức diện tích này bị khống chế không vượt quá 10% (Pháp lệnh Quảng cáo 2001).

Thật ra quy định này có tính lịch sử của nó. Trước đây các tờ báo ngày chỉ có 4 hoặc 8 trang, lại là báo nhà nước bao cấp toàn bộ, giá bán báo cũng mang tính tượng trưng. Giả dụ không có quy định hạn chế, Nhà nước sợ họ dùng đến 50% số trang cho quảng cáo thì thiệt thòi cho bạn đọc, lãng phí ngân sách.

Nhưng thực tế báo chí đã tiến những bước rất xa so với thời đó – ngày nay hầu hết các tờ báo lớn đều tự chủ về tài chính, nguồn thu từ quảng cáo chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu của các báo. Sự cạnh tranh giữa các báo in cũng rất khốc liệt, không báo nào dám coi thường người đọc vì làm thế độc giả bỏ đi thì quảng cáo cũng bỏ đi theo.

Thế nhưng luật vẫn là luật. Do quy định hạn chế 10-15% như trên, hầu hết các báo đều làm theo cách dồn hết quảng cáo vào một phụ trương quảng cáo (lúc đó thì không bị hạn chế tỷ lệ nữa) nhét cho nằm ở giữa tờ báo. Có những tờ, phần nội dung chỉ có 20 trang mà phần quảng cáo có thể lên đến vài chục trang.

Hệ lụy của cách làm đó là gì?

Đầu tiên, đa phần người đọc sẽ dứt phần quảng cáo ra, vất sang một bên và chỉ đọc phần nội dung mà thôi. Dĩ nhiên vẫn có người đọc kỹ, đọc say mê phần quảng cáo nhưng số này ít lắm. Với đa số bạn đọc, họ sẽ bỏ qua tập quảng cáo dày cộp này hay chỉ liếc nhanh rồi vất bỏ.

Như vậy hệ lụy đầu tiên là một sự lãng phí kinh khủng – tốn giấy, tốn mực mà hiệu quả lên người đọc không bao giờ đạt mức như báo chí nước ngoài.

Chỉ một thời gian ngắn, nhà quảng cáo nhận ra, các chiến dịch công phu từng thành công ở nước ngoài sẽ trở nên vô ích tại thị trường báo in Việt Nam. Các loại quảng cáo xây dựng thương hiệu, xây dựng hình ảnh, nâng nhận biết của người tiêu dùng xem như ngày càng ít đi. Thay vào đó là loại quảng cáo cung cấp thông tin, tức chữ ngày càng nhiều, hình ảnh ngày càng ít vì nhà quảng cáo hy vọng người ta sẽ “đọc” chứ không “xem” quảng cáo. Đến một lúc nào đó, nhà quảng cáo chuyển sang loại hình quảng cáo bằng bài viết (thường được gọi là bài PR) được viết y như một bài báo hòng thu hút người đọc.

Quan sát tập phụ trương quảng cáo của nhiều báo trong vòng chục năm trở lại đây sẽ thấy sự chuyển dịch của xu hướng này.

Từ đó nảy sinh thêm một hệ lụy nữa là loại bài thực chất là quảng cáo nhưng cố tình trình bày như bài viết ngày càng nhiều – nó có thể mang tiêu đề “thông tin doanh nghiệp”, “thông tin cần biết”... Sự sáng tạo trong quảng cáo báo in bị hạn chế, ngay cả những công ty quảng cáo chuyên nghiệp cũng phải chìu lòng khách hàng để chuyển sang loại quảng cáo chi chít là chữ mà họ biết rõ sẽ không ai thèm đọc cả.

Đến khi báo điện tử ra đời, dĩ nhiên không thể nào có chuyện hạn chế diện tích 10 - 15% như báo in – thế là xu hướng dịch chuyển quảng cáo từ báo giấy sang báo điện tử lại càng có động lực diễn ra nhanh hơn, mạnh hơn bình thường.

Giả dụ không có quy định “Diện tích quảng cáo không được vượt quá 15% tổng diện tích một ấn phẩm báo hoặc 20% tổng diện tích một ấn phẩm tạp chí” thì cứ thử hình dung điều gì sẽ xảy ra. Rất có thể lúc đó sẽ có những tờ báo ngày dày đến 100 trang, nửa trang trên là tin tức, nửa trang dưới là quảng cáo – y như báo in ở các nước khác. Bạn đọc sẽ đọc tin xong, trước khi lật sang trang khác sẽ nhìn lướt hay nhìn kỹ quảng cáo bên dưới (tùy vào tài nghệ của người thiết kế quảng cáo), doanh nghiệp có sản phẩm hay dịch vụ được quảng cáo đưa được thông điệp đến với người tiêu dùng... Sẽ không có ai chịu thiệt, ngược lại một sự cởi trói như thế biết đâu sẽ tiêm một luồng sinh khí mới vào làng báo in đang chịu nhiều biến động.

Hiện nay báo điện tử cạnh tranh thu hút người đọc bằng đủ cách, đủ chiêu trò vì số lượng người xem sẽ quyết định doanh thu quảng cáo của báo. Chẳng lạ gì xu hướng “lá cải hóa” đang diễn ra rất mạnh. Nếu báo in được tháo gỡ cái ràng buộc không đáng có này, biết đâu làng báo sẽ phát triển theo con đường lành mạnh hơn.

Cũng có lẽ ít người biết, ngày xưa Pháp lệnh Quảng cáo còn những ràng buộc phi lý hơn thế. Ví dụ đối với báo ngày mỗi đợt quảng cáo cho một sản phẩm không quá 5 ngày; các đợt quảng cáo cách nhau ít nhất 5 ngày. Nghĩa là lúc đó một doanh nghiệp vừa tung ra một sản phẩm mới, bèn thiết kế chương trình quảng cáo liên tục chừng 1 tháng trên báo -  không được. Một điều tưởng chừng hoàn toàn đơn giản cũng bị cấm theo luật. Lúc đó nhiều báo từng đau đầu vì phải từ chối các hợp đồng như thế và phải thuyết phục khách hàng, thôi cứ quảng cáo 5 số, nghỉ 5 số rồi làm tiếp!

Thiết nghĩ, quy định như thế đã bỏ được thì quy định hạn chế diện tích quảng cáo trên báo in cũng có thể bỏ được, biết đâu sẽ tạo ra những chuyển biến tích cực, bất ngờ. Dù sao, các quy định mang tính can thiệp quá sâu vào hoạt động kinh doanh của báo chí trước sau gì cũng nên bỏ.




Liệu có cấm được không?

Đối với báo điện tử, Luật Quảng cáo có quy định “Không được thiết kế, bố trí phần quảng cáo lẫn vào phần nội dung tin”. Phần lớn các báo điện tử đều tuân thủ quy định này nên các ô quảng cáo đều đặt cho nằm trên, nằm dưới hay nằm một bên tin.

Vấn đề muốn nói là các quảng cáo này, bởi được thiết kế theo dạng dựa vào nội dung tin để hiển thị quảng cáo phù hợp nên dù muốn dù không nó cũng có mối quan hệ rất chặt chẽ với nội dung tin. Ví dụ tin đang viết về du học, bên hông tin sẽ xuất hiện quảng cáo của một công ty cung cấp dịch vụ tư vấn du học; tin viết về hoạt động của ngân hàng, cả trên lẫn dưới tin sẽ xuất hiện quảng cáo của một ngân hàng nào đó.

Cái này là xu hướng không thể tránh được. Điều đáng nói là trong bối cảnh báo lá cải sinh sôi nảy nở, dùng nhiều từ “nhạy cảm” thì loại quảng cáo cho các sản phẩm nhạy cảm xuất hiện thường xuyên, khắp nơi là chuyện cũng không tránh đi đâu được cả. Cứ nhìn vào trang báo điện tử, thấy toàn quảng cáo cho các sản phẩm “khó nói” thì bộ mặt báo chí điện tử trông cũng khó coi thật.



Monday, September 29, 2014

Tự dưng buộc khó vào người

Tự dưng buộc khó vào người 

Có lẽ với người không ở trong ngành báo chí, chẳng ai bận tâm phân biệt “báo điện tử” và “trang thông tin điện tử tổng hợp” làm gì cho phức tạp. Họ chỉ cần biết một trang web cung cấp thông tin, nếu hữu ích, hấp dẫn, thời sự thì họ sẽ đọc ngấu nghiến, bất kể nó được gọi bằng cái tên như thế nào.

Thế nhưng hiện đang có những nghịch lý cần phải nói về hai loại hình này.

Thứ nhất “báo điện tử” phải hoạt động theo Luật Báo chí, tức là có những ràng buộc nhất định để bảo đảm tính trung thực, khách quan hay ít nhất là tính chịu trách nhiệm của thông tin. Trong khi đó “trang thông tin điện tử tổng hợp” không cần tuân thủ Luật Báo chí nên từ đó mới nảy sinh biết bao hệ lụy như đưa thông tin sai, thông tin chưa kiểm chứng, thông tin thô từ mạng xã hội, thông tin mang tính miệt thị người khác... Nói chung là với người ngoài thì chúng như nhau nhưng bên trong một bên chịu nhiều chế tài chặt chẽ, một bên hoạt động hoàn toàn thoải mái... nhiều lúc rất “ngây thơ”.

Bởi những hệ lụy này nên các văn bản luật pháp gần đây đều phải theo hướng siết lại, buộc các trang “thông tin điện tử thông tin” phải tuân thủ những luật chơi rất nghiêm ngặt. Mới đây nhất là Thông tư 09/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành ngày 19-8-2014 và sẽ có hiệu lực vào ngày 3-10 sắp tới. Thông tư nhắc lại nguyên tắc: Trang thông tin điện tử tổng hợp không được tự mình sản xuất ra thông tin mà chỉ được “cung cấp thông tin tổng hợp trên cơ sở trích dẫn nguyên văn, chính xác nguồn tin chính thức”.

Điều đó có nghĩa các trang khá quen thuộc với nhiều người như CafeF, Gafin, Vietstock... chỉ được đăng lại tin bài của báo chí hay cơ quan nhà nước Việt Nam. Thông tư 09/2014 còn nói “trang thông tin điện tử tổng hợp” “không đăng tải ý kiến, nhận xét, bình luận của độc giả về nội dung tin, bài được trích dẫn”. Nếu chiếu theo quy định này, hàng ngàn trang thông tin điện tử tổng hợp đang vi phạm.

Nghịch lý thứ hai nảy sinh từ nghịch lý thứ nhất: Tại sao đã có loại hình báo chí điện tử, lại quy định loại hình “trang thông tin điện tử tổng hợp” làm gì khi chúng chỉ có nhiệm vụ đi đăng lại nguyên văn nội dung của báo chí chính thống. Nội dung đăng tải trên báo chí là công sức của cơ quan báo chí đó, tại sao lại cho ra đời một loại hình chỉ chăm chăm sử dụng công sức của người khác? Mặc dù luật pháp cũng quy định rõ sử dụng thông tin thì phải tuân thủ pháp luật về sở hữu trí tuệ nhưng việc sao chép, rồi tùy tiện chỉnh sửa tít tựa, thêm bớt nội dung là chuyện tràn lan ở các trang thông tin loại này. Hiện nay vấn đề ăn cắp bản quyền trong báo chí là vấn đề nhức nhối, bài hay đưa lên chỉ vài phút sau là bị sao chép tràn lan bởi các trang “thông tin tổng hợp” này.

Thông tư 09/2014 có quy định trang thông tin điện tử tổng hợp phải “có cơ chế kiểm soát nguồn tin, đảm bảo thông tin tổng hợp đăng tải phải chính xác theo đúng thông tin nguồn. Đó là bởi nhiều tin bài cơ quan báo chí chính thống đăng tải nhưng sau đó phải đính chính hay chỉnh sửa theo thông tin mới - thế nhưng các trang thông tin điện tử tổng hợp do sao chép xong thì coi như xong việc nên hầu như không bao giờ đính chính hay chỉnh sửa theo nội dung mới mà cơ quan báo chí đưa lên. Mặc dù Thông tư có quy định như thế, lấy gì bảo đảm các trang thông tin điện tử sẽ tuân thủ; một báo viết sai, hàng ngàn trang tin sai theo - sau đó chỉ một báo đính chính, hàng ngàn trang tin vẫn để cái sai tồn tại dai dẳng trên không gian mạng.

Vì thế, thay vì phải quy định nhiêu khê như “có cơ chế phối hợp để có thể loại bỏ ngay nội dung vi phạm...” tại sao không cấm hẳn trang thông tin điện tử tổng hợp không được đăng lại tin bài của báo khác mà chỉ được đăng một đoạn ngắn rồi dẫn link về tin bài gốc? Như thế một khi tin gốc có sửa chữa, chỉ nội dung đã sửa chữa được chia sẻ chứ không phải tin cũ, tin sai.

Nghịch lý thứ ba là do nhu cầu sản xuất thông tin cho riêng mình (nhưng luật thì cấm) nên một số trang thông tin điện tử tổng hợp bèn “hợp tác” với một nơi có giấy phép làm báo điện tử để nhân viên mình sản xuất tin, bài nhưng đưa cho nơi này đăng trước rồi trang thông tin điện tử tổng hợp đăng lại sau.

Cơ quan quản lý biết việc này không? Rõ ràng là có biết vì Thông tư 09/2014 bịt một số lỗ hổng cho phép sự “hợp tác” nhưng không biết có bịt được hết không. Thông tư quy định về tên miền thì tổ chức, doanh nghiệp không phải là cơ quan báo chí, dãy ký tự tạo nên tên miền không được giống hoặc trùng với tên cơ quan báo chí.

Ở đây có lẽ phải mở ngoặc nói thêm: đối với báo chí, cũng có hai loại hình báo chí điện tử: một là báo điện tử có giấy phép riêng và báo điện tử là trang thông tin điện tử tổng hợp. Theo nguyên tắc thì loại đầu được quyền sản xuất tin bài riêng cho ấn bản điện tử còn loại sau thì chỉ được đăng lại nội dung đã sản xuất cho báo giấy, báo hình hoặc báo nói. Quy định là thế nhưng có ai tuân thủ, có ai kiểm soát được hết đâu, chẳng biết quy định để làm gì.  

Nói tóm lại, trang thông tin điện tử tổng hợp lẽ ra có chức năng, nhiệm vụ rất rõ ràng. Ví dụ một trang của Trung tâm Sức khỏe và Môi trường thì cứ đăng mọi thông tin của trung tâm, nếu thấy tin bài của báo nào liên quan đến mình thì cứ giới thiệu vài đoạn và dẫn link về tin bài gốc. Trang của một cảng biển hay của một nhà hát ca nhạc nhẹ cũng vậy. Những nơi mang tính tổng hợp thuần túy như mô hình Báo Mới thì buộc tuân thủ quy định phải dẫn link về tin bài gốc tất cả mọi thông tin đăng tải. Nơi nào thật sự có nhu cầu sản xuất tin bài thì cứ xét điều kiện để cấp giấy phép ra báo điện tử.


Vấn đề của các trang thông tin điện tử tổng hợp là do quy định đẻ ra thì nay phải sửa từ quy định gốc - không nên loay hoay tìm cách quản lý một cái sai làm gì.

Saturday, September 27, 2014

Làm báo thời MS-DOS

Làm báo thời MS-DOS

(In Memory of Alex McKinnon)

Mới hôm rồi tình cờ thấy một bàn máy đánh chữ cũ kỹ nằm ở góc phòng khách nhà người quen, ký ức về những ngày làm báo cách đây hơn 20 năm lại quay về. Tháng 9-1991, tôi vào làm cho tờ Vietnam Investment Review (VIR) khi tờ báo này chuẩn bị ra mắt số đầu tiên. Đây là tờ tuần báo bằng tiếng Anh chuyên về kinh tế đầu tiên của Việt Nam do Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư cùng một số nhà báo người Úc thực hiện. Còn chừng ba tuần nữa là đến ngày ra báo thế mà các tay nhà báo Úc nhởn nhơ như không. Nick Mountstephen rủ tôi ra Lê Lợi mua đồ nghề. Loay hoay một hồi chúng tôi chở về chừng bốn chiếc bàn máy chữ loại xài rồi.

Các bạn phóng viên trẻ giờ này chắc không hình dung nổi, đến thập niên 1990 rồi mà nhà báo vẫn phải viết tay là chủ yếu, ai dùng bàn máy chữ để viết tin là đã “tân tiến” lắm rồi. Mua máy chữ hôm trước, hôm sau chúng tôi lại phải ra nhà sách mua đủ loại bút xóa để “tẩy tẩy, xóa xóa” chứ không lẽ cứ gõ vài dòng là quẳng vào thùng rác, thay giấy khác.

Trong tòa soạn lúc ấy có anh Hoàng Ngọc Nguyên, là cây bút chủ lực của VIR trong những ngày đầu nhưng vẫn giữ vai trò người xuất bản tờ Saigon News Reader bán chạy trong giới đầu tư nước ngoài ở Sài Gòn dạo đó. Anh Nguyên là “phù thủy” trong sử dụng bàn máy chữ để “sản xuất” tờ báo này - một mình anh vừa làm phóng viên, biên dịch viên, người dàn trang, người gõ bài - tất cả thực hiện trên bàn máy chữ. Cái tài của ảnh là làm sao canh chừng để tin chấm dứt đúng cột, đúng khuôn khổ. Thậm chí vì tờ báo chỉ bằng khổ giấy A4 nhưng cũng chia thành hai cột, anh vừa gõ tin của cột này, vừa gõ tin của cột bên kia! Sản xuất xong tờ báo (thường là buổi sáng, dịch tổng hợp mọi tin kinh tế chính của báo trong nước), anh cho người photocopy thành mấy trăm bản và phân phối đến các văn phòng đại diện các công ty nước ngoài khắp thành phố. Bảo đảm giờ có đủ phương tiện trong tay, kể cả phần mềm dàn trang trên máy tính, khó lòng kiếm ra người có thể làm ra tờ báo trong vòng mấy tiếng đồng hồ như anh Nguyên.

VIR cũng là nơi đầu tiên mua tin các hãng thông tấn nước ngoài, tôi nhớ hình như mua tin của AFP trước tiên. Lúc đó vì chưa có máy tính, chỉ có máy fax, thế là tin từ AFP liên tục đổ về, chạy ra ào ào từng cuộn giấy. Lúc đầu tôi hăm hở đọc hết vì chưa bao giờ có dịp tiếp cận tin nhiều và nóng hổi như thế nhưng chỉ một thời gian ngắn sau là đầu hàng không kham nổi.

Chất liệu đầu vào là tin bài đánh máy hay nhận bằng fax nên khi đưa xuống nhà in, nhân viên phòng máy phải gõ vào một lần nữa. Nhiệm vụ của bọn tôi là ngồi bên cạnh để sửa lỗi vì nhân viên đâu rành tiếng Anh, gõ sai là chuyện thường. Nhưng cũng nhờ thế bọn tôi tiếp xúc rất sớm với máy tính, dù chỉ là gõ văn bản.

Cũng may là một thời gian ngắn sau, các tay nhà báo người Úc không biết kiếm đâu ra được mấy máy vi tính đời 286 và 386, màn hình đơn sắc, có cái không có ổ cứng. Muốn khởi động, trước tiên phải bỏ vào ổ đĩa mềm loại 5,25 inch đĩa chương trình MS-DOS để chạy. Máy chạy rồi mới lấy đĩa ra, bỏ đĩa chương trình Word Perfect vào. Lúc đó Microsoft Word chưa thịnh hành, ai nấy đều dùng Word Perfect 5.1. Cũng chẳng ai bày, tôi mày mò bấm F1 (chương trình giúp đỡ) và tự học các phím tắt để sử dụng phần mềm này viết bài. Các bạn trẻ ngày nay ắt cũng khó hình dung màn hình máy tính lúc đó không phải ở dạng “What you see is what you get” như hôm nay, nó chỉ là một màn hình đen hay xanh với con trỏ là dấu gạch ngang nhấp nháy. Phải học thuộc các lệnh để trình bày và xử lý văn bản. Tính toán thì có Lotus 1-2-3 chứ chưa có Excel, cơ sở dữ liệu thì dùng dBase chứ đâu đã có Access.

Trưa, lúc mọi người chợp mắt, tôi tò mò mở máy ra “vọc”, cứ thử hết file exe này đến file com khác. Nhiều lúc chỉ gõ lệnh cls để khoái trá thấy màn hình dọn sạch trơn. Thấy file command.com “không dùng làm gì cả”, bèn xóa (đây là file chủ chốt của hệ điều hành MS-DOS), tiện tay xóa luôn các file autoexec.bat và config.sys vì cứ nghĩ để chúng làm gì cho chật chội. Dại dột đến thế, may nhờ có các anh kỹ thuật viên dưới phòng máy nhà in lên phục hồi giùm.

Có nhiều chuyện cười ra nước mắt như thế - chẳng hạn một sếp VIR một hôm kêu ầm lên là máy hỏng, kỹ thuật phải vào sửa gấp. Hóa ra hôm trước ổng nhét ổ đĩa mềm vào, viết bài và cuối ngày tắt máy quên lấy đĩa ra. Khi mở máy trở lại vì ổ đĩa mềm chỉ chứa dữ liệu chứ không phải ổ đĩa khởi động nên máy đứng cứng ngắc, làm sao chạy được. Lúc đó máy tính là một cái gì đó người ta phải đối xử như “nâng trứng, hứng hoa”; ai cũng nghĩ phải xây phòng riêng, lắp máy lạnh máy mới chạy! Ngày nay khi ổ cứng máy tính chừng 500GB, RAM 4GB, tốc độ xử lý trên 2GHz là chuyện thường có lẽ ít ai ngờ có thời máy tính chỉ có ổ cứng 30MB, tốc độ xử lý chỉ có 6MHz, còn RAM bao nhiêu thì chẳng ai biết nữa.

Nhờ có máy tính, công đoạn nhờ nhân viên nhà in gõ lại coi như không cần thiết nữa nhưng tôi và Alex McKinnon, một nhà báo Úc rất trẻ, vẫn phải thường xuyên xuống nhà in để theo dõi nhân viên dàn trang. Lúc đó phần mềm dàn trang phổ biến là Ventura, chạy chậm như rùa. Báo chí Việt Nam đã chuyển từ sắp chữ chì sang dàn trang trên máy tính nhưng tít vẫn phải vẽ tay và co chữ, font chữ thì rất linh hoạt, bài dư một chút thì bung ra, thiếu một chút thì co lại, bất kể nguyên tắc trình bày báo. Tờ VIR với những nguyên tắc không thể du di phải cử người xuống phòng máy để hỗ trợ nhân viên dàn trang cắt tin bài hay chọn bài khác cho vừa chỗ chứ không co dãn cỡ chữ. Cũng nhờ vậy mà học sơ qua Ventura rồi sau này là PageMaker và QuarkXPress.

Những năm đó, công nghệ thông tin có những bước tiến nhảy vọt, máy tính lên đời 386, 486 và cuối cùng Windows 3.1 ra đời. Một điều lạ là máy mạnh lên nhưng phần mềm ngày càng nặng nề nên cứ phải nâng cấp phần cứng liên tục. Tôi nghĩ cả thế giới trong một thời gian dài làm ra bao nhiêu là đổ tiền cho Bill Gates và các hãng phần cứng, chẳng lạ gì anh chàng này trở thành tỉ phú trong một thời gian ngắn. Còn nhớ đó là thời gian vàng son của máy PC, cứ vài tháng là có con chip mới, cuộc đua tốc độ xử lý cứ mải miết chạy, đến mấy năm gần đây mới tạm dừng.

Có lẽ cũng vì lần đầu tiên tiếp xúc với công nghệ, giới làm báo lúc đó có sự tò mò, thích tìm tòi ứng dụng công nghệ vào công việc mà dường như thiếu vắng trong giới phóng viên trẻ ngày nay. Tôi nhớ lúc đó một chuyên viên kỹ thuật người Úc đang xây dựng cơ sở dữ liệu cho toàn bộ các số báo VIR vào một đĩa CD, truy xuất dễ dàng. Lúc rảnh rỗi anh này giúp bọn tôi viết các macro để tự động hóa các khâu biên tập. Các bạn biên tập viên đều biết bài nhận từ nhiều nguồn sẽ có nhiều cách viết khác nhau nên việc đầu tiên là chuyển hết về phong cách mà tờ báo đang áp dụng. Anh thu gom hết mọi biến thể, mọi sửa đổi mà các biên tập viên chỉnh sửa bài vào thành một macro (tập hợp các lệnh thực hiện tự động) chạy ngay trong MS Word. Biên tập viên nhận bài, chỉ cần bấm một nút, ngay lập tức máy sẽ tự động rà soát biên tập kỹ thuật cho mình - rất nhanh và rất tiện.

VIR in được hai số ở TPHCM thì phải chuyển ra in ngoài Hà Nội. Nick, Alex và tôi khăn gói ra thủ đô, hành lý lúc đó chỉ là cây thước để vẽ ma két báo. Mọi chuyện lặp lại với nhà in báo Hà Nội mới. Mấy tháng sau, bộ máy tạm ổn, tôi quay về TPHCM thì nảy sinh việc liên lạc bài vở giữa hai đầu đất nước. Một thời gian dài chúng tôi phải dùng fax, lại phải quay về cách nhờ nhân viên phòng máy gõ lại bài đã gõ trong Sài Gòn. Sau một thời gian mày mò, bọn tôi mua hai cái modem, nối với đường dây điện thoại. Cách làm thật thủ công, bây giờ ai nhìn vào ắt phải cười ngất. Sau khi thu gom chừng năm bài từ văn phòng TPHCM, tôi gọi điện cho Lê Quốc Vinh, phóng viên ngoài Hà Nội, hai bên cùng mở modem lên và quy ước, “một, hai, ba” cùng nhấn enter để đường dây thoại chuyển thành đường dây data, hai modem sau một hồi rè rè, rít rít đã bắt tay được với nhau và hai máy mới bắt đầu chuyển bài cho nhau. Thủ công là vậy nhưng “phát hiện” này giúp tiết kiệm cả đống thời giờ gõ lại bài cũng như tránh sai sót chính tả.

Tiếp theo đó là sự xuất hiện dịch vụ thư điện tử (e-mail). Thoạt tiên chỉ có Netnam (anh Trần Bá Thái) và Teltic (anh Nguyễn Anh Tuấn) cung cấp, mỗi ngày hai nơi này nối mạng với máy chủ ở Úc mấy lần để nhận thư và gửi thư. Tôi nhớ lúc đó anh Nguyễn Anh Tuấn, sau này làm Tổng biên tập tờ VietNamNet có vào Sài Gòn chơi và cho tôi một tài khoản e-mail. Từng cá nhân mỗi khi muốn nhận thư cũng phải truy cập một số điện thoại nào đó, modem cũng rít lên từng hồi trước khi kết nối vào được mạng máy chủ.

Tuy nhiên, e-mail là bước tiến làm thay đổi công nghệ làm báo mạnh mẽ (nên nhớ lúc đó chưa có Internet). Bọn tôi học được nhiều thủ thuật sử dụng e-mail mà nay hóa ra thừa thãi. Ví dụ mặc dù chưa có Internet, vẫn có thể lấy được tin bài từ một trang web bằng cách gửi e-mail đến một địa chỉ nào đó, trong tiêu đề ghi một dòng lệnh nào đó. Nhờ e-mail, nhà báo nay đã có thể gửi thư phỏng vấn người ở tuốt bên Mỹ hay bên Anh. Nhờ e-mail việc gửi bài thủ công theo kiểu “một, hai, ba” chúng ta cùng bấm enter đã biến mất.

Sau này cũng có nhiều công nghệ khác biến mất như thế. Chẳng hạn trong một thời gian dài, mặc dù đã dàn trang trên máy tính, vẫn phải in ra trên giấy can và nhân viên nhà in vẫn phải cắt dán thủ công toàn bộ tờ báo lên bảng súp-po. Sau này nhà in chuyển thẳng từ file nên nghề cắt dán (montage) này đã mai một. Nhớ khoảng năm 1989, tôi có dịp đưa một nhà báo nước ngoài đi chụp ảnh ở Huế. Lúc đó đám cưới chụp một hai cuốn phim màu là sang lắm rồi nên các bạn tưởng tượng tôi đã há hốc như thế nào khi anh chàng phóng viên ảnh này chơi một ngày hết 40 cuốn phim, loại 36 tấm mỗi cuộn. Nay máy kỹ thuật số chụp bao nhiêu không ai để ý và có lẽ mọi người cũng dần quên cuộn phim Kodak ngày xưa.

Năm 1997 lúc tôi chuyển về làm cho tờ Saigon Times Daily, công nghệ đã khá phổ biến. Chúng tôi mua tin của Reuters và truy cập tin bằng đường dây riêng. Lúc đó Reuters có gói dịch vụ Business Briefing thật tuyệt vì ngoài tin của Reuters người dùng có thể truy cập mấy ngàn tờ báo khắp thế giới, tin tức nóng hổi. Nay có Internet thì chuyện đọc báo khắp nơi là chuyện bình thường nhưng lúc đó, cứ tưởng tượng ngồi ở Sài Gòn mà có thể nhảy vào đọc tờ Time hay Washington Post mới phát hành là chuyện khó hình dung. Bọn tôi lúc đó cũng ăn gian, ví dụ đưa tin về hội nghị thượng đỉnh ASEAN ăn đứt báo bạn vì tiếp cận và tham khảo đủ loại tin bài mà phóng viên báo khác đưa lên mạng Business Briefing.

Cuối năm 1997, Việt Nam chính thức kết nối Internet. Ngay năm sau đó chúng tôi tổ chức cuộc thi thiết kế trang web trên tờ Saigon Times Daily mặc dù không biết gì nhiều về thiết kế web. Giám khảo là những nhân vật tin học nổi tiếng lúc đó như anh Hoàng Minh Châu của FPT, chị Đồng Thị Bích Thủy (Đại học Khoa học Tự nhiên) và hãng IBM đồng ý tài trợ giải thưởng cuộc thi là máy tính xách tay IBM, lúc đó có giá chừng 3.000 đô la! IBM còn cho mượn máy mạnh để giám khảo sử dụng chấm bài cho nhanh nữa. Bên cạnh nhiều thí sinh dùng màu sắc lòe loẹt, chữ chớp chớp, uốn lượn... vẫn có những người thiết kế các trang web đơn giản mà lại đẹp và sang trọng. Có lẽ nhiều bạn thí sinh thời đó đã theo nghề thiết kế web cho đến nay. Chẳng bao lâu sau hàng ngàn trang web Việt Nam lần lượt xuất hiện.

Nhìn lại, hoàn toàn không có gì tiếc khi phải bỏ công sức học nhiều lệnh trong DOS mà nay có ai xài nữa đâu, cũng không có gì ganh tỵ khi ngày xưa phải chật vật với ổ đĩa 1,2MB thường xuyên bị hỏng hóc so với các thanh USB vài ba GB mà phóng viên nào ngày nay đều phải có. Lúc đó để cài Microsoft Word phiên bản mới nhiều lúc cần đến 8, 9 đĩa mềm, mà có lúc cài đến đĩa số 7 nó lại báo hư mới tức. Chặng đường làm quen với công nghệ là một phần của nghề báo thời mở cửa - không thể đổi cho bất kỳ món gì - dù đó là chiếc kính Google Glass hay nắm xôi của thằng Bờm.

Saturday, August 30, 2014

Một hay hai kỳ thi không phải là điều quan trọng

Một hay hai kỳ thi không phải là điều quan trọng

Nếu xét về mặt lô-gich bình thường, có lẽ đa số sẽ đồng ý nên duy trì kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và bỏ bớt kỳ thi tuyển sinh đại học.

Lý do cũng đã khá rõ: Duy trì kỳ thi đầu tiên vì tấm bằng tốt nghiệp trung học phổ thông là quyền của học sinh, được nhà nước bằng một hình thức nào đó công nhận đã hoàn thành 12 năm học.

Còn bỏ kỳ thi thứ nhì vì tuyển sinh là nhiệm vụ của các trường đại học, nhà nước không nên đứng ra làm thay, nhất là khi muốn trao quyền tự chủ cho nhà trường.

Thế nhưng qua tranh luận mới thấy ở Việt Nam, lô-gich bình thường không phải lúc nào cũng đúng. Vấn đề là làm sao để mọi chuyện trở lại bình thường để các giá trị phổ quát ở nước khác cũng áp dụng ở Việt Nam.

Trước hết, nói về kỳ thi tuyển sinh đại học, nhiều người không muốn bỏ vì nhiều lý do, trong đó rõ nhất là đây vẫn là kỳ thi nghiêm túc hơn, nhờ đó sàng lọc được chất lượng cho các trường đại học. Nhiều người sợ nếu bỏ kỳ thi này, các trường đại học chạy theo số lượng tuyển sinh sẽ càng dễ dãi đầu vào, bất kể chất lượng miễn sao tuyển sinh được nhiều, thu được nhiều tiền.

Giả thử có chuyện này xảy ra thì sao? Giai đoạn đầu các trường sẽ cạnh tranh để tuyển sinh bằng mọi giá, trong đó có thể chất lượng đầu vào họ không quan tâm. Thế nhưng chỉ cần một thời gian ngắn sau đó, nếu đầu ra của họ không được xã hội thừa nhận thì ai sẽ thèm vào học các trường này.

Những trường hàng đầu của Mỹ hoàn toàn có thể chỉ tuyển đủ số học sinh trả 100% học phí và vẫn duy trì được một chất lượng đầu vào khá cao. Nhưng không, họ vẫn dành ra một tỷ lệ học bổng nhất định để thu hút học sinh giỏi vào học trường họ. Chính những học sinh giỏi, phải chi học bổng này sẽ góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy, tạo ra môi trường cạnh tranh trong học thuật, làm nên danh tiếng của trường họ.

Thế nên vấn đề là cứ để các trường tự chủ thật sự, ở đây là tự chủ trong việc tuyển sinh bằng cách bỏ kỳ thi tuyển sinh chung, giao nhiệm vụ này về cho các trường đại học. Trường nào lơ là việc duy trì sự sàng lọc đầu vào hay cá nhân nào lợi dụng chuyện ra đề thi để trục lợi bằng dạy thêm hay chạy cửa sau sẽ bị thải loại dần.

Lý do phổ biến thứ hai của những người không muốn bỏ kỳ thi tuyển sinh đại học là vì làm như hiện nay các trường quá khỏe, không tốn kém gì nhiều cho công tác tuyển sinh so với khối lượng đồ sộ công việc phải làm nếu tự tổ chức tuyển sinh. Lãnh đạo các trường cũng không cần phải đau đầu lo lắng chuyện bị gởi gắm, chuyện phải chủ động đi tìm thí sinh giỏi mời dự tuyển vào trường, chuyện quản lý cấp dưới để công tác tuyển sinh thật sự là công khai, minh bạch và không có tiêu cực.

Nhưng cũng từ lý do này, quy luật thị trường cũng dần dần buộc các trường thấy tự mỗi trường mà tổ chức tuyển sinh sẽ rất nhiêu khê, tốn kém, khó kiểm soát... Họ sẽ dần hình thành nhu cầu có một bên thứ ba đứng ra làm công tác tổ chức một kỳ thi nào đó (như SAT ở Mỹ) nhằm đánh giá đúng thực chất thí sinh giùm cho họ. Họ chỉ việc dựa vào kết quả kỳ thi này và một số tiêu chí khác để tuyển sinh. Đó chính là con đường mà các nước đã trải qua và đang thực hiện.

Quay trở về kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, nhiều người muốn bỏ vì nó không thực chất, chỉ mang tính hình thức, tỷ lệ đỗ rất cao, lại rất tốn kém cho xã hội.

Đó là thực tế. Nhưng tại sao không cải tiến kỳ thi thay vì bỏ nó đi. Cải tiến theo hướng tỷ lệ đỗ thấp đi cho đúng thực chất thì khó lòng được chấp nhận – áp lực lên xã hội cũng sẽ rất lớn nếu có sự đột biến theo hướng này.

Tại sao không dung hòa bằng cách xếp loại tốt nghiệp đúng thực chất, trong đó dù tỷ lệ đỗ vẫn có thể cao như hiện nay nhưng đa số sẽ đỗ ở mức bình thường. Chỉ có một tỷ lệ nhất định đỗ ở mức khá, mức giỏi và mức xuất sắc. Lúc đó tấm bằng tốt nghiệp lại mang tính phân loại và sàng lọc cao để một số em yên tâm đi vào con đường học nghề, một số em chọn các trường cao đẳng, trung cấp ngay từ đầu và một số em khác chọn đi tiếp vào đại học.


Đây là con đường lấy lại giá trị cho tấm bằng từng có lúc được gọi là bằng tú tài. Và lúc đó sự chọn lựa của chúng ta cũng hòa chung với sự chọn lựa của nhiều nước khác trên thế giới. 

Friday, August 8, 2014

Ưu đãi cho ai, ưu đãi gì

Ưu đãi cho ai, ưu đãi gì

Trong tuần qua xuất hiện một số thông tin có thể giúp định hình một số chiến lược quan trọng trong thời gian tới.

Đầu tiên là khuyến cáo của Tổ chức Phát triển Công nghiệp của Liên hiệp quốc (UNIDO) rằng các chính sách ưu đãi để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam chỉ tạo ra sự biến dạng hệ thống thuế, và gây tốn kém cho ngân sách.

Đây là câu trả lời gián tiếp cho những yêu cầu được hưởng những ưu đãi mới nhằm bù đắp vào sự suy giảm lòng tin của nhà đầu tư vào môi trường làm ăn ở Việt Nam như đề xuất của chủ dự án Formosa Hà Tĩnh đã bị Bộ Kế hoạch & Đầu tư bác bỏ. Cho đến nay vẫn có nhiều người lo ngại nếu chúng ta không ưu đãi mạnh tay, FDI sẽ bỏ đi. Hay nói cách khác, nếu buộc phải cấp cho các dự án FDI mới những ưu đãi vượt khung để thu hút nhà đầu tư nhằm quảng bá hình ảnh một Việt Nam vẫn thân thiện với FDI thì cũng nên ưu đãi mạnh.

Báo cáo của UNIDO khẳng định, về tổng thể, dường như không có nhiều khác biệt về hiệu quả hoạt động giữa các công ty nước ngoài được nhận ưu đãi và các công ty nước ngoài không được nhận ưu đãi.

Điều thứ nhì là nỗi lo ngại một khi giao thương giữa Việt Nam với Trung Quốc bị gián đoạn, GDP sẽ bị ảnh hưởng. Thậm chí ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê tuần trước còn đưa ra con số cụ thể, rằng GDP có thể giảm 10% nếu thương mại Việt - Trung ngưng trệ.

Điều này đúng sai thì thật khó nói vì nó phụ thuộc vào mô hình tính toán có hàng trăm yếu tố phức tạp, không dễ gì định lượng được một cách cụ thể như thế.

Vấn đề là, không nên lấy đó làm điều e ngại để rụt rè trong ứng xử với Trung Quốc. Với người dân bình thường, không biết tính toán phức tạp, họ phản ứng rất nhanh trước tin này bằng cách khẳng định, dù GDP có giảm một nửa, dù thu nhập của họ có giảm một nửa mà tránh phụ thuộc vào Trung Quốc để bị o ép chuyện chủ quyền thì họ cũng sẵn sàng hy sinh phần thu nhập đó.

Dĩ nhiên với nhà hoạch định chính sách, không thể suy nghĩ theo cách đó. Nhà hoạch định chính sách phải nghĩ đến chuyện sao cho vẫn duy trì giao thương mà không để nó ảnh hưởng lên chuyện chủ quyền. Nhà hoạch định chính sách phải nghĩ đến các mô hình thay thế nhằm tìm cách giảm bớt sự lệ thuộc vào bất kỳ ai.

Ở đây cách tiếp cận không phải là tìm đối tác thay thế mà là làm sao để nội lực mạnh lên và đủ sức ứng phó.

Nhận xét sau khi đọc bài “Đi dưới bóng đè của gã khổng lồ” của David Dapice và Vũ Thành Tự Anh, đăng trên TBKTSG số ra tuần trước, một độc giả viết: “Phần lớn các nhà kinh tế đổ lỗi cho Trung Quốc mà ít phân tích tại sao Việt Nam lại lệ thuộc thương mại vào Trung Quốc nhiều như vậy. Vấn đề là cách điều hành kinh tế, hệ thống thuế, tham nhũng, lợi ích nhóm... làm cho nên kinh tế Việt Nam thiếu sức cạnh tranh, xuất khẩu cũng chỉ tạo được lợi nhuận cực nhỏ. Trong bối cảnh ấy bắt buộc phải tìm nguồn nguyên liệu, phụ liệu giá rẻ để đảm bảo có lãi chút ít. Nếu chuyển sang nguồn nguyên liệu có giá đắt hơn mà giá xuất khẩu không tăng thì lợi nhuận biên "mỏng như dao cạo" sẽ biến mất!”

Như vậy câu trả lời cho cả vấn đề mà báo cáo UNIDO đặt ra cũng như lo ngại mà Tổng cục Thống kê nêu lên là làm sao để doanh nghiệp trong nước có đủ sức để cạnh tranh với bên ngoài mà không cần tận dụng lợi thế nguyên liệu rẻ từ Trung Quốc.

Ưu đãi lúc đó không còn là chuyện miễn giảm thuế, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, miễn giảm tiền thuê đất. Cái doanh nghiệp trong nước cần là giảm cho họ các chi phí không tên gom dưới cái tên nhũng nhiễu, tham nhũng, lợi ích cục bộ hay cho họ điều kiện cạnh tranh bình đẳng với nhà đầu tư nước ngoài. Đó cũng có thể là một cơ chế tỷ giá linh hoạt hơn để họ có thể cạnh tranh với bạn hàng nước ngoài, sự dễ dàng tiên liệu trước các thay đổi chính sách và một môi trường tư pháp mà bất kỳ ai cũng có thể kỳ vọng để tìm thấy công lý.

Chiến lược vì thế phải nhắm tới, không phải số lượng dự án hay tổng vốn cam kết, mà là công ăn việc làm, tiến dần lên bực thang cao hơn trong phân công sản xuất toàn cầu. Lúc đó không những  chúng ta không phải lo sự phụ thuộc vào bất kỳ một nền kinh tế duy nhất nào mà còn tạo ra sự thịnh vượng thật sự cho người dân.


Cryptocurrency

  Phép thử tiền crypto   Không biết hãng Finder khảo sát ở đâu, với ai mà kết luận đến 41% dân Việt Nam có sở hữu tiền mã hóa (cryptocur...