Wednesday, September 21, 2011

Đừng tính.. đại

Đừng tính.. đại

Báo Người lao động số ra hôm nay (21-9) có bài “Tiểu xảo lách lãi suất”, trong đó có đoạn:

Một trong những “chiêu” đang được nhiều NH áp dụng là tăng lãi suất huy động ngắn ngày (tính theo ngày hoặc tuần) chạm mức 14% để thu hút khách hàng. NH Phương Tây tung ra loại tiền gửi kỳ hạn 1, 2, 3, 4, 5, 6 ngày, lãi suất đều ở mức 13,8%/năm (0,0386%/ngày). Nhiều NH khác cũng áp dụng lãi suất 14%/năm đối với kỳ hạn 1 tuần, tiền gửi thanh toán. Câu hỏi đặt ra liệu mức lãi suất áp dụng cho kỳ hạn ngày, tuần có vượt trần lãi suất 14%/năm?

Giả sử khách hàng gửi 100 triệu đồng theo kỳ hạn 1 ngày lãi suất 13,8%/năm thì ngày đầu tiên, người gửi nhận được số tiền lãi 38.600 đồng. Đến ngày thứ hai, số lãi này được cộng vào số tiền gửi ban đầu, cứ thế, “lãi mẹ đẻ lãi con” cho đến hết tháng thì lãi suất thực tế sẽ lên tới 15%-16%/năm. Tương tự, người gửi tiết kiệm theo kỳ hạn tuần, các khoản tiền gửi thanh toán cũng hưởng được lãi suất thực tế cao hơn 14%/năm...

Phóng viên viết bài này đã tính toán… đại để ra con số “lãi suất thực tế sẽ lên tới 15%-16%/năm”.

Với lãi suất huy động 13,8%/năm kỳ hạn 1 ngày, tức là tính lãi suất kép, cứ sau mỗi ngày ghép tiền lãi vào vốn thì lãi suất thật sau 365 ngày chỉ là 14,79%.

Viết như bài báo nhiều người tưởng nhầm, gởi tiền cho ngân hàng đưa ra dịch vụ kỳ hạn 1 ngày ngon ăn hơn ngân hàng đưa ra lãi suất huy động 14% kỳ hạn 1 tuần. Bởi tính lãi suất kép ở trường hợp 14% kỳ hạn 1 tuần thì lãi suất thật sẽ lên đến 15% (cao hơn 14,79%!).

---

Mà sao dạo này các báo sai số liệu nhiều lắm. Có lẽ vì tin vào nguồn tin, thấy họ nói sao là đăng nguyên như thế. Ví dụ, báo Sài Gòn Tiếp Thị sáng nay cũng có tin "Chi 1 triệu USD mời cựu bộ trưởng ngân khố Mỹ đến Việt Nam", trong đó có đoạn:

Ông John W. Snow là bộ trưởng ngân khố thứ 73 của Mỹ hồi năm 2003. Hiện ông là chủ tịch quỹ đầu tư và quản trị tài chính Cerberus, được coi là tập đoàn lớn nhất thế giới, với tổng giá trị tài sản năm 2010 ước đạt 3.200 tỉ USD.

Quỹ Cerberus chỉ quản lý tổng tài sản chừng 24 tỷ USD, lại nói vống lên thành 3.200 tỷ USD - một con số khổng lồ. Nên nhớ toàn bộ các quỹ đầu tư tư nhân như Cerberus trên toàn thế giới cộng lại thì tổng tài sản của họ cũng chỉ mới 2.400 tỷ USD vào cuối năm 2010. Hoặc tập đoàn đầu tư tư nhân lớn nhất nước Mỹ hiện nay là TPG cũng chỉ có tổng tài sản là 48 tỷ USD.


Cập nhật: Nếu bạn nào quan tâm muốn biết cách tính lãi suất kép, mời đọc bên blog của Phạm Vũ Lửa Hạ, cũng vừa nói tiếp chuyện này. Thật ra, trên mạng bây giờ có nhiều trang web đã nhúng máy tính đủ kiểu, chỉ cần tìm cho đúng loại máy tính mình cần, điền số liệu và bấm nút để tính. Ví dụ, trang này.

Cập nhật: Không hiểu sao báo Đầu tư Chứng khoán cũng mắc phải lỗi này trong bài “Câu vốn bằng lãi suất cộng dồn”, lần này là do một ông tiến sĩ chuyên gia ngân hàng tính toán. Báo viết:

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho biết, cách thực hiện lãi suất không kỳ hạn với mức trần 14%/năm cũng tương tự với cách tính lãi suất kép tại Mỹ. Nghĩa là hôm nay khách hàng gửi 100 triệu đồng, qua đêm với lãi suất 14%/năm, được trả lãi khoảng 40.000 đồng. Ngày hôm sau, khách hàng sẽ được cộng dồn số tiền gửi tiếp qua đêm trên vốn và lãi của ngày hôm trước là 100.040.000 đồng với lãi suất 14%/năm. Như vậy, với hình thức gửi như trên, lãi suất thực không còn là 14%/năm mà có thể lên đến 16%/năm sau 365 ngày khách hàng gửi tiền trong ngân hàng.

Khổ quá, lãi suất thật trong trường hợp này cũng chỉ là 15,02% chứ không thể lên đến 16% được.

No comments:

Post a Comment

Cryptocurrency

  Phép thử tiền crypto   Không biết hãng Finder khảo sát ở đâu, với ai mà kết luận đến 41% dân Việt Nam có sở hữu tiền mã hóa (cryptocur...