Wednesday, September 28, 2011

Chuyện chữ & nghĩa – 3

Chuyện chữ & nghĩa – 3

Dọn vườn chữ nghĩa

Có ít nhất hai bài báo nước ngoài chê chuyện công ty sản xuất giấy vệ sinh tại Việt Nam dùng nhãn hiệu kiss me tourism. Với chúng ta nhãn hiệu này khá quen thuộc và không mang hàm ý gì nhưng đối với người nước ngoài mời họ hôn giấy vệ sinh thì biểu sao họ không phê phán.

Đây chỉ là một trong hàng trăm ví dụ về những tình huống ngôn ngữ gây sốc ở một số người này và bình thường đối với những người khác. Tờ Far Eastern Economic Review (nay đã đình bản) mở hẳn một chuyên mục hàng tuần gọi là Travellers’ Tales để “dọn vườn” loại tiếng Anh “kỳ cục” tại các nước châu Á. Chúng tôi xin điểm qua một số lần “dọn vườn” khá ngoại mục của tờ báo này (đang nói về giai đoạn thập niên 1990).

Các tên công ty mang nghĩa buồn cười trong tiếng Anh thường được chú ý nhiều nhất. Ví dụ công ty Hairichest International Transportation and Godown Co. tại Hồng Kông. Hairichest làm người ta liên tưởng đến từ hairy-chested (người có nhiều lông ngực).

Một hãng hàng không danh tiếng bị chọc quê vì trong cuốn tạp chí quảng cáo của hãng, phần thông tin lịch bay quốc tế bị in sai thành International Fright Information. Trong khi flight là chuyến bay thì fright là nỗi sợ hãi! Một lỗi tương tự bị tác giả phát hiện ngay ngoài bìa báo của một hãng hàng không khác. Thay vì viết Inflight Magazine, báo in thành Infright Magazine. Đi máy bay của các hãng này đáng sợ thật.

Loại nhãn hiệu hàng hóa tiêu dùng gây sốc ở người nói tiếng Anh cũng được chiếu cố khá kỹ như một loại nước giải khát của Nhật: Pocari Sweat (sweat trong tiếng Anh là… mồ hôi); một loại nước tinh khiết khác cũng của Nhật được đặt tên Mucos! nghe giống như từ mucus (tốt nhất bạn đừng tìm hiểu mucusmucous tiếng Anh là gì, e bạn sẽ không dám dùng loại nước khoáng này đâu).

Có một điều lạ, các từ viết sai chính tả lại dễ gây hiểu nhầm như message (thông điệp, lời nhắn gởi) và massage (mát-xa, xoa bóp) xuất hiện khá nhiều. Một quảng cáo nhân dịp Giáng sinh ghi Father Christmas will give you a massage and X’mas present to your kids bị tác giả chọc quê là gợi nhớ đến vụ Michael Jackson dụ dỗ trai vị thành niên.

Một trường hợp viết sai chính tả khác được phát hiện trên tít báo Korea Herald: “Korean marital art is practised in over 100 countries.” Tác giả không bỏ qua dịp đùa cợt rằng ông là người không may mắn vì chưa biết đến nghệ thuật hôn nhân (marital art) của Hàn Quốc được quảng bá rộng rãi tại trên 100 nước. Thật ra tít báo phải viết đúng là martial art (võ thuật).

Một quảng cáo khác mắc phải lỗi chấm câu. Thay vì viết Islamabad (thủ đô của Pakistan), người chủ của nhà khách viết, Islama Bad Guest House. Tác giả “để” nhẹ một câu: “Thật là một thí dụ đáng khâm phục về loại quảng cáo trung thực.”

Tuy nhiên, đôi lúc tác giả cũng đùa quá đáng. Ví dụ như chuyện cà phê MIA. Hay chuyện một món ăn tại Thái Lan được ghi trên thực đơn: “Albino with coconut milk”. Đã đành albino trong tiếng Anh có nghĩa là bạch tạng nhưng biết đâu trong tiếng Thái nó có một nghĩa gì đó khác chăng. Cũng như MIA đối với người phương Tây gợi nhớ chuyện lính Mỹ bị mất tích trong chiến tranh (missing in action) nhưng đây là bảng hiệu tiếng Việt chỉ có nghĩa là nước mía!

Tuy nhiên, lý thú nhất trong loạt bài này là những câu trích từ các quảng cáo, dùng tiếng Anh chính xác, chính tả, ngữ pháp không có vấn đề gì mà chỉ… sai phần dùng từ. Sau khi miêu tả khu nhà nghỉ cao cấp của họ, một công ty bất động sản ở Jakarta mời: “Inspect our private parts today!” Công ty này chắc chưa biết trong tiếng Anh private parts là phần kín trong cơ thể người ta.

Một tờ báo tiếng Anh của Thành phố Hồ Chí Minh cũng bị mục Travellers’ Tales chọc quê. Mục này dẫn lại bảng tỷ lệ số hộ gia đình có TV, đầu video… đăng trên báo nguyên văn như sau: “TV: 82.22%; Video head: 51%; Frigid: 36%.” Và sau đó bình luận: “This can only mean that 51% of homes have some poor couch potato who has become a complete video head, and 36% of householders are unable to enjoy conjugal relations.”

Chơi vậy ác quá. Dù sao tờ báo này cũng đã sai khi dịch đầu máy video thành video heads. Nói theo bài bản video head là các đường rãnh trên mặt trống của đầu máy video, càng nhiều head chừng nào máy càng tốt chừng đó. Nên (ngày xưa) các bạn mới thấy quảng cáo đầu máy này có 8 heads, đầu kia có 6 heads.

Còn muốn nói đầu máy video thì phải dùng video player cho loại thường hay VCR (video cassette recorder) cho loại ghi hình được.

Nhưng sai lầm lớn nhất là dịch từ tủ lạnh thành frigid. Khổ quá, frigid là lãnh đạm, lãnh cảm nên mục này mới chọc quê là không hưởng được hạnh phúc gia đình. Tủ lạnh ai cũng biết là refrigerator, viết gọn là fridge.

No comments:

Post a Comment

Cryptocurrency

  Phép thử tiền crypto   Không biết hãng Finder khảo sát ở đâu, với ai mà kết luận đến 41% dân Việt Nam có sở hữu tiền mã hóa (cryptocur...