Thursday, October 1, 2009

Tìm biện pháp mới

Tìm biện pháp mới

Không chỉ riêng ở Việt Nam, hiện nay nhiều nước cũng đang cân nhắc hiệu quả của các biện pháp kích thích kinh tế trước khi tiếp tục sử dụng chúng trong năm tới. Mặc dù ý kiến của các nhà kinh tế còn khác nhau, những kết luận ban đầu của họ rất đáng tham khảo.

Hiệu quả còn tùy

Để đánh giá tác dụng của gói “kích cầu”, người ta thường dùng khái niệm “số nhân tài khóa” để tính xem những biện pháp cắt giảm thuế hay tăng chi tiêu chính phủ sẽ làm tăng tổng sản lượng bao nhiêu lần. Nếu số nhân này bằng 1, có nghĩa một đồng chi thêm sẽ làm tăng GDP thêm một đồng. Theo tờ Economist, số nhân tài khóa phụ thuộc vào nhiều yếu tố kinh tế khác nhau. Ví dụ, với nền kinh tế đang vận hành hết công suất, số nhân tài khóa sẽ bằng 0 vì lúc đó mức tăng cầu của chính phủ sẽ làm giảm chi tiêu ở khu vực khác. Còn ở thời điểm kinh tế suy giảm, tăng chi tiêu tài khóa có thể làm tăng cầu nói chung. Nếu vốn kích cầu khởi động một hiệu ứng chi tiêu khác, từ doanh nghiệp đến người tiêu dùng thì số nhân sẽ lớn hơn 1.

Cách “kích cầu” cũng sẽ tạo hiệu ứng khác nhau. Miễn giảm thuế có thể không hiệu quả bằng việc chính phủ bỏ tiền ra xây một cây cầu, chẳng hạn vì tiền thuế được miễn giảm có thể biến thành tiền để dành chứ không được đưa vào lưu thông. Miễn giảm thuế cho người thu nhập thấp hiệu quả hơn miễn giảm thuế cho người giàu vì người ít tiền sẽ phải chi tiêu ngay số tiền được nhà nước “thối lại” cho các nhu cầu trước mắt.

Quan trọng hơn, yếu tố tâm lý và kỳ vọng của người dân đóng vai trò then chốt trong việc “kích cầu” sao cho có hiệu quả cao nhất. Chính phủ chi tiêu cho “kích cầu” ắt lãi suất phải tăng, nếu đúng thế thì đầu tư từ khu vực tư nhân sẽ giảm; còn nếu người ta tin vào tác động tích cực của các gói kích thích kinh tế, tiêu dùng và đầu tư sẽ tăng để đưa nền kinh tế vượt qua suy thoái.

Cũng theo tờ Economist, quan sát số liệu thống kê cho thấy “kích cầu” tỏ ra hiệu quả ở những nước có nền kinh tế đóng nhiều hơn những nước có nền kinh tế mở vì tiền kích cầu ít rơi vãi ra bên ngoài thông qua hàng nhập khẩu. Đóng và mở ở đây được đo lường bằng quy mô xuất nhập khẩu của nền kinh tế đó so với GDP. “Kích cầu” cũng tạo ra hiệu ứng lớn hơn ở những nước có quy mô kinh tế lớn vì ở nước nhỏ, nhà đầu tư dễ bỏ cuộc hơn và vì thế lãi suất dễ tăng nhanh hơn.

Còn theo GS Willem Buiter viết trên tờ Financial Times, để các biện pháp kích thích kinh tế thông qua chính sách tài khóa có hiệu quả, cần đáp ứng một số điều kiện. Thứ nhất, nền kinh tế phải đang dư thừa công suất, tức công nhân đang thiếu việc làm, nhà máy tạm ngưng hoạt động. Thứ hai, đã sử dụng hết các biện pháp kích cầu khác, thông qua chính sách tiền tệ, như đã hạ lãi suất đến hết mức. Thứ ba, chính sách tài khóa không được làm tăng lãi suất. Thứ tư, các biện pháp áp dụng không chèn ép các khu vực khác, tức chi tiêu của nhà nước không thế chỗ cho chi tiêu của người dân hay doanh nghiệp.

Với Việt Nam thì sao?

Cho đến nay vẫn chưa có những đánh giá chính thức mang tính định lượng hiệu quả của các biện pháp kích cầu mà Việt Nam đã áp dụng từ đầu năm đến nay ngoài số dư các khoản vay có hỗ trợ lãi suất (theo Ngân hàng Nhà nước, dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất đến ngày 24-9-2009 là 404.256,10 tỷ đồng). Thật ra đây là điều khó bởi không ai có thể tính toán được mức tăng trưởng GDP hiện nay có bao nhiêu phần trăm là nhờ “kích cầu”; hay nói cách khác, nếu không có các gói kích cầu, liệu GDP có tăng trưởng như bây giờ và thất nghiệp liệu có giữ như mức hiện nay.

Tuy nhiên, đối chiếu những kết luận ban đầu nói trên với tình hình kinh tế Việt Nam, có thể thấy các điều kiện để tiếp tục “kích cầu” chưa thật sự chín muồi. Lãi suất hiện đang có xu hướng tăng bởi nỗi lo lạm phát quay trở lại vẫn còn đó. Chỉ số tiêu dùng tháng 9-2009 so với đầu năm lên đến 4,11% và chỉ số này của cả chín tháng đầu năm nay so với chín tháng đầu năm ngoái đã là 7,64%. Hơn nữa, lãi suất trái phiếu chính phủ cũng sẽ phải tăng nếu muốn các đợt phát hành sắp tới thành công và như thế sẽ đẩy mặt bằng lãi suất lên một mức mới. Việt Nam là một nền kinh tế mở vì tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hiện ở mức tương đương 173% GDP, nếu kích cầu mà xuất khẩu vẫn tiếp tục suy giảm, lượng hàng tồn kho ắt sẽ tiếp tục tăng hơn mức hiện nay trong khi hàng nhập khẩu sẽ làm cho tiền kích cầu rò rỉ ra bên ngoài.

Cái khó là không thể triển khai các biện pháp tiền tệ vì nới lỏng tín dụng hay giảm lãi suất cơ bản sẽ càng làm cho lạm phát nhanh chóng bùng phát trở lại.

Vì thế, thay cho một gói kích cầu thứ hai ở dạng hỗ trợ lãi suất, dù ở mức 4% hay chỉ là 2% mà hiệu quả chưa rõ ràng, nên thay bằng một số biện pháp khác. Đầu tiên là mạnh dạn cắt giảm thuế VAT cho nhiều mặt hàng thiết yếu cho cuộc sống hàng ngày. Đây là cách kích cầu trực tiếp nhất, lại có lợi cho người tiêu dùng có thu nhập thấp. Việc cắt giảm thuế VAT phải hạn định vào một khoảng thời gian ngắn, cụ thể để người dân buộc lòng phải chi tiêu để hưởng lợi từ chính sách và doanh nghiệp bán được hàng tồn kho. Nếu không hạn định thời gian, người tiêu dùng có thể sẽ trì hoãn việc chi tiêu vào lúc khác. Tương tự với doanh nghiệp, nên miễn giảm thuế cho những khoản đầu tư hiện tại để kích thích đầu tư tư nhân.

Trong các gói kích cầu đã công bố có những khoản dành cho đầu tư hạ tầng nhưng mức độ triển khai không đạt kế hoạch. Tập trung vào các khoản chi tiêu vào các công trình hạ tầng vừa có tác dụng kích thích kinh tế, tạo công ăn việc làm, vừa giúp tháo gỡ những nút thắt cổ chai như tắt nghẽn giao thông, thiếu cầu. Một gợi ý của GS Willem Buiter có thể áp dụng cho Việt Nam: đó là phát hành trái phiếu chính phủ với lãi suất gắn với mức tăng trưởng GDP cộng thêm một số điểm phần trăm nào đó.

No comments:

Post a Comment

Cryptocurrency

  Phép thử tiền crypto   Không biết hãng Finder khảo sát ở đâu, với ai mà kết luận đến 41% dân Việt Nam có sở hữu tiền mã hóa (cryptocur...