Friday, October 30, 2009

Đến thông cáo báo chí cũng phải xin phép

Đến thông cáo báo chí cũng phải xin phép

Đã có khá nhiều góp ý cho dự thảo “Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản” từ các nhà báo và nhà quản lý. Tuy nhiên có một đối tượng bất ngờ nằm trong phạm vi điều chỉnh của Nghị định này là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và hành vi bị phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng, theo dự thảo Nghị định, cũng bất ngờ không kém: Phát hành thông cáo báo chí mà không có giấy phép.

Bất ngờ là bởi hỏi thăm một vòng các công ty có vốn đầu tư nước ngoài và nhất là các công ty chuyên lo chuyện quan hệ đối ngoại cho các doanh nghiệp này, họ đều trả lời trước nay soạn, gởi các thông cáo báo chí họ đều không nghĩ phải xin phép. Tất cả đều ngạc nhiên, hỏi lại là xin phép ở đâu, thủ tục như thế nào, thời hạn ra sao… Hằng ngày có cả chục đến cả trăm thông cáo báo chí được phát ra, trong đó nhiều nhất vẫn là các công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Từ chuyện thay đổi nhân sự, giới thiệu sản phẩm mới đến chuyện công bố kết quả khuyến mãi, giảm giá hay những vấn đề cấp bách hơn như giải thích một sự cố sản phẩm đang được dư luận quan tâm… Không lẽ tất cả những thông cáo báo chí này đều phải xin phép?

Nguyên văn dự thảo Nghị định ghi rõ chuyện phát hành thông cáo báo chí không có giấy phép bị phạt tiền là dành cho “cơ quan, tổ chức nước ngoài, pháp nhân có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam”. Điều đó có nghĩa ngay cả những tổ chức như Ngân hàng Thế giới - WB, Quỹ Tiền tệ Quốc tế - IMF, Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc - UNDP… mỗi khi muốn công bố đều gì đó cho báo chí qua hình thức thông báo đều phải xin phép nếu không muốn bị phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng.

Thật ra, quy định phát hành thông cáo báo chí đối với cơ quan, tổ chức nước ngoài phải xin giấy phép nằm ở “Quy chế xuất bản bản tin, tài liệu, tờ rơi; phát hành thông cáo báo chí; đăng, phát bản tin trên màn hình điện tử của các cơ quan, tổ chức nước ngoài, pháp nhân có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam” do Bộ Văn hóa – Thông tin ban hành vào tháng 11-2002. Quy chế này nói rõ hồ sơ xin phép phát hành thông cáo báo chí nộp ở Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Thông tin – Truyền thông), phải nộp hồ sơ “ít nhất trước 48 tiếng đồng hồ so với thời gian dự định phát hành thông cáo báo chí”…

Điều đáng nói là từ năm 2002 đến nay, Bộ là nơi nắm rõ nhất có bao nhiêu hồ sơ gởi đến để xin phát hành thông cáo báo chí, so với thực tế thì con số tuân thủ chiếm chừng bao nhiêu phần trăm. Bộ cũng là nơi hiểu rõ nhất quy chế xin phép này có mang tính thực tiễn không hay chỉ là quy định hình thức bởi thực tế ít ai phát hành một thông cáo báo chí đơn giản một trang giấy mà phải làm hồ sơ xin phép cả. Thông cáo báo chí là cầu nối cung cấp thông tin từ doanh nghiệp đến người tiêu dùng – không có lý do gì phải ràng buộc bằng giấy phép. Còn nếu lo ngại nội dung thông cáo báo chí có những vấn đề gì nhạy cảm hay mang tính sai trái như vu khống đối thủ chẳng hạn thì cơ quan báo chí, nơi nhận thông báo, sẽ phải xử lý thông tin như một nguồn tin bình thường.

Quan trọng hơn, kể từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, chúng ta đã cam kết không phân biệt đối xử giữa công ty trong nước và công ty nước ngoài. Chắc chắn về mặt pháp lý quy chế đòi doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải xin phép khi phát hành thông cáo báo chí trong khi doanh nghiệp trong nước thì không đã bị vô hiệu hóa bởi các văn bản triển khai việc gia nhập WTO.

Quy chế nói trên (phần liên quan đến thông cáo báo chí) có mặt trong đời sống doanh nghiệp từ năm 2002 nhưng không thấy triển khai thực thi. Nay dự thảo Nghị định nêu lại. Thiết nghĩ việc đầu tiên là nên cập nhật lại Quy chế và sau đó đưa nội dung xử phạt nói trên ra khỏi dự thảo Nghị định. Làm như thế chính là đem lại sự nghiêm minh cho pháp luật vì không nên để tồn tại một quy định mà không ai thực hiện cả.

Monday, October 26, 2009

Về báo cáo Koblitz

Về báo cáo Koblitz

Có nhiều cách đánh giá một bài viết. Với bài “A Second Opinion by an American on Higher Education Reform in Vietnam” của GS Neal Koblitz (xin gọi tắt là báo cáo Koblitz) phê phán một báo cáo về giáo dục đại học Việt Nam của hai ông Thomas Vallely và Ben Wilkinson (gọi tắt là báo cáo Vallely), cách hay nhất có lẽ là xét đến hiệu quả sau cùng bài viết mang đến cho người đọc.

Theo cảm nhận của tôi, hiệu quả rõ nhất của của báo cáo Koblitz là muốn người đọc đừng nghe theo những gì nói trong báo cáo Vallely. Đó cũng là ý muốn của tác giả. Đáng tiếc hiệu quả này không cao vì GS Koblitz đã sử dụng các chiêu thức “bàng môn tả đạo” để phê phán báo cáo Vallely. Chúng bao gồm những đòn “dưới thắt lưng” như nói ông Vallely từng là cựu binh Thủy quân lục chiến đánh nhau ở Việt Nam, rằng cả hai tác giả đều không có bằng cấp gì cao nên không xứng làm chuyên gia viết báo cáo về giáo dục. Chỗ này tôi không hiểu lắm cách suy nghĩ của GS Koblitz vì giả thử trường University of Washington của ông mời được Bill Gates đến nói chuyện về mã hóa (cryptography, chuyên môn chính của GS Koblitz) trong hệ điều hành Windows, không lẽ ông sẽ lớn tiếng bảo Bill Gates đâu có bằng cấp gì mà mời đến nói chuyện?

Lẽ ra để phản bác những lập luận của một bài viết, tác giả nên phân tích đúng sai của từng lập luận, để cuối cùng có nhận định tổng quát về bài viết đó. Đằng này báo cáo Koblitz dường như “chỉ thấy cây chứ không thấy rừng”. Chẳng hạn, báo cáo Vallely nêu một cách khái quát tầm vóc của cuộc khủng hoảng giáo dục đại học ở Việt Nam, trong đó chuyện Intel chỉ tuyển được một tỷ lệ nhỏ sinh viên tốt nghiệp đáp ứng yêu cầu của họ là một ví dụ minh họa; báo cáo Koblitz lại dựa vào đó để tìm cách chứng minh báo cáo Vallely bóp méo sự thật.

Đọc xong báo cáo Koblitz có lẽ nhiều người cảm nhận nhiều hiệu quả khác nữa như hệ thống giáo dục Mỹ không có gì hay để bắt chước, đại đa số sinh viên Mỹ dốt lắm nhưng khổ nỗi chúng không liên quan gì đến mục đích bài viết.

Nhưng theo tôi hiệu ứng nguy hiểm nhất là làm cho nhiều người lầm tưởng nền giáo dục Việt Nam không có vấn đề gì trầm trọng, những “khó khăn” mà hệ thống giáo dục Việt Nam đang mắc phải cũng giống như ở các nước đang phát triển khác. Đây là điều đại nguy hiểm nếu báo cáo Koblitz làm nảy sinh suy nghĩ như thế ở những người có thẩm quyền trong ngành giáo dục. Suy nghĩ này sẽ bao gồm các lập luận khác có trong báo cáo Koblitz như 25% chương trình học dành cho các môn chính trị thì đã sao đâu, nếu sinh viên ra trường không xin được việc làm thì đó là lỗi của khu vực kinh tế tư nhân chưa đạt đến trình độ thu hút được nhân tài, việc Việt Nam không có bằng phát minh nào được cấp giấy chứng nhận cũng không phải lỗi ở các trường đại học mà do khu vực tư nhân đấy.

Có hay không hiệu ứng này? Tôi nghĩ là có. Và đó là điều nguy hiểm, nhất là khi mọi người đều hiểu nền giáo dục Việt Nam đang trải qua những thử thách nghiêm trọng, cần công sức của tất cả để tìm một lối ra khả dĩ nhất, nhanh nhất và ít tốn kém nhất.

Nguy hiểm hơn là trong 8 khuyến nghị báo cáo Koblitz đưa ra, hầu như tất cả đều dính đến chuyện tiền nong, như thể chỉ cần có tiền là giải quyết khó khăn cho giáo dục Việt Nam. Nó sẽ cổ xúy cho lối suy nghĩ cần vay tiền nhiều hơn nữa từ các định chế tài chính quốc tế như World Bank đổ cho ngành giáo dục hay nâng học phí lên cao nữa hay đẩy mạnh hơn nữa chuyện “xã hội hóa” giáo dục – xem đó như những biện pháp căn bản để giải quyết chuyện cải cách giáo dục.

Tôi không coi báo cáo Vallely như một công trình nghiên cứu đúng nghĩa bởi nó chỉ là một bản báo cáo nhanh (Memorandum) gởi cho các thành viên Mỹ trong Nhóm đặc nhiệm về giáo dục đại học như những ý kiến tham khảo. Chính các tác giả cũng nói đây là một phân tích chủ quan (opinionated analysis).

Cải cách giáo dục Việt Nam cần nhiều hơn thế. Nhưng cái cần nhất là một cách nhìn thẳng vào vấn đề, vào những yếu kém của chính chúng ta chứ đừng lẩn tránh dưới các lập luận quanh co kiểu báo cáo Koblitz.

Saturday, October 17, 2009

Tiền lệ

Tiền lệ

Chỉ thị của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng “giao UBND TP. Hà Nội chủ trì, cùng Bộ Khoa học và Công nghệ có hình thức xử lý thích hợp, đúng quy định của Đảng và Nhà nước đối với việc tự giải thể của Viện Nghiên cứu phát triển (IDS) và những phát biểu thiếu tinh thần xây dựng của một số cá nhân thuộc IDS” đã vượt ra khuôn khổ Quyết định 97 vì đã tạo ra một tiền lệ mà các bộ phận khác trong bộ máy hành chính có khả năng bắt chước làm theo.

Ở đây tôi không đề cập đến Quyết định 97, chuyện IDS tự giải thể để phản đối.

Chỉ xin lưu ý đến khả năng lan tràn hiện tượng yêu cầu “xử lý thích hợp” mỗi khi có “những phát biểu thiếu tinh thần xây dựng”.

Lấy ví dụ báo chí mà một trong những chức năng quan trọng là tạo diễn đàn cho người dân nói lên tiếng nói của họ. Đã là diễn đàn, tức sẽ có những tiếng nói phê bình các hiện tượng tiêu cực trong xã hội, những trường hợp nhũng nhiễu của bộ máy hành chính, những câu chuyện bất công nơi này nơi khác. Với tiền lệ nói trên, rất dễ xảy ra chuyện người đứng đầu một địa phương, một ngành nào đó ra chỉ thị yêu cầu một cấp hành chính nào đó bên dưới “có hình thức xử lý” với những phát biểu mà họ cho là “thiếu tinh thần xây dựng” trên mặt báo. Trong quá khứ chuyện này đã xảy ra nhưng khá hiếm hoi và đa số các cấp lãnh đạo chọn con đường “im lặng là vàng” để lãnh tránh công luận. Nay, một khi họ thấy có thể xử dụng bộ máy hành chính để buộc các ý kiến “thiếu tinh thần xây dựng” phải im tiếng, khả năng họ sẽ sử dụng tiền lệ này, công cụ mới này là rất cao.

“Thiếu tinh thần xây dựng” làm một cảm nhận mang tính chủ quan vì không thể lượng định bằng các tiêu chí cụ thể. Phát biểu của học sinh với thầy hiệu trưởng về chuyện trường không có phòng vệ sinh đúng tiêu chuẩn, với người thầy chăm lo cho học sinh thì bình thường nhưng với một ông vừa nhận tiền “lại quả” từ nhà thầu xây dựng phòng học chắc chắn sẽ bị nhìn nhận như mũi dùi chỉa thẳng vào ông – thế là “thiếu tinh thần xây dựng”, phải giao cho giáo viên chủ nhiệm “xử lý”.

Tiền lệ này cũng có khả năng triệt tiêu mọi nỗ lực chống tham nhũng trong từng đơn vị, cơ quan nhà nước bởi nhãn “thiếu tinh thần xây dựng” sẽ được người đứng đầu chuẩn bị sẵn để dán cho bất kỳ ai phát biểu chống đối. Nó cũng làm nản lòng những phát biểu cải tiến quy trình làm việc, những sáng kiến tại các công sở…

Viết đến đây, tôi phải đọc lại thật kỹ những gì đã viết, xem nó có “thiếu tinh thần xây dựng” không! Thấy nó phản ánh đúng suy nghĩ của mình là góp ý xây dựng bộ máy hành chính của nước nhà, sao cho đừng để tạo ra một tiền lệ có thể bị hiểu nhầm từ một chỉ thị mà cấp dưới có thể lợi dụng. Như vậy, nó hoàn toàn mang tính xây dựng đấy chứ.

Hóa ra một tác dụng khác của chỉ thị này và những chủ trương tương tự là đẩy con người vào thế phải “nhìn trước trông sau” mỗi khi muốn nói lên tiếng nói của mình trước những vấn đề của xã hội – và chắc chắn dần dà mọi người sẽ chọn con đường im lặng cho khỏe thân – và đó là dấu chấm hết cho một xã hội bình thường, một đất nước bình thường.

Sunday, October 11, 2009

Không có lề phải, cũng chẳng có lề trái

Không có “lề phải”, cũng chẳng có “lề trái”

Từ dạo một quan chức buột miệng đẻ ra khái niệm báo chí “lề phải”, tự dưng nảy sinh ra khái niệm ngược lại để đối ứng là dư luận “lề trái”. Thật đáng tiếc bởi báo chí nói riêng, công luận nói chung không hề có “lề phải” hay “lề trái”. Báo chí đúng nghĩa phải ngay ngắn đường đường chính chính ở giữa mà đi, tức là tôn trọng sự thật, công bằng, khách quan, mỗi vấn đề đều phải lắng nghe và đưa ý kiến cả từ hai phía.

Cái tạm gọi là báo chí “lề phải” như cách hiểu của quan chức nói trên hiện đang bị nhiều ràng buộc, o ép, không còn được đề cập một cách thẳng thắn những vấn đề quan trọng của đất nước. Ở hướng ngược lại, khá nhiều dư luận “lề trái” thể hiện qua các diễn đàn trên mạng Internet cũng rơi vào chỗ cực đoan, quy chụp, cũng “độc quyền chân lý”, cũng bị tác động bởi tâm lý đám đông. Dĩ nhiên, nói khái quát một cách sơ lược như vậy là không chính xác vì có nhiều bài viết trên các diễn đàn rất hay, rất xác đáng, có tác dụng rất to lớn trong việc hướng dẫn dư luận. Đành phải nêu ví dụ để minh họa cho nhận xét này.

Sau khi bài viết “Việt Nam sẽ vào top 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới” xuất hiện, ngay lập tức nhiều ý kiến trên mạng Internet đã gán cho ông Nguyễn Xuân Kiên, Viện trưởng Viện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam và Đông Nam Á, những từ ngữ khá nặng nề. Ông này nói: “… chỉ 20 -30 năm nữa, Việt Nam sẽ là một trong 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới. 40 năm nữa, Việt Nam sẽ đứng trong top 15 nền kinh tế lớn nhất thế giới” và đối lại, thiên hạ nói ông này “siêu tưởng”, “đại ngôn”, “lòe thiên hạ”…

Nếu bình tĩnh một chút, chắc nhiều người sẽ nhận ra đây không phải là “phát kiến” gì vĩ đại của ông Kiên cả. Nó là một trong những kết luận của một nghiên cứu cách đây mấy năm của Goldman Sachs (có thể tham khảo ở đây). Thậm chí, Goldman Sachs còn nói ghê hơn kia: GDP của Việt Nam vào năm 2025 dự báo đứng thứ 17 và năm 2050 đứng thứ 15 trên toàn thế giới. Tôi nhớ lúc đó báo chí Việt Nam cũng bàn tán nhiều về chuyện này ví dụ như ở đây.

Lỗi của ông Kiên là (1) nói mà không trích nguồn; (2) đưa ra một nhận định không ăn nhập gì đến nội dung được phỏng vấn; (3) không cập nhật thông tin về các phản bác nghiên cứu của Goldman Sachs.

Điều đáng lo là tôi tin chắc không ít người nhớ chuyện Goldman Sachs mà hầu như không ai lên tiếng và các diễn đàn thì cứ thế “phang đại” đủ kiểu nhận xét rất cực đoan. Tôi không bênh vực gì ông Kiên vì trong bài phỏng vấn ông này nói mà không phân biệt được giữa văn hóa kinh doanh và văn hóa doanh nghiệp nhưng chuyện gì phải ra chuyện nấy.

Một ví dụ khác là vụ án ông Huỳnh Ngọc Sỹ. Với những gì ông này bị cáo buộc tại tòa (tức là cáo trạng công khai) và với bản án đã tuyên, phải nói ông ta bị án 3 năm tù là quá nặng. Chuyện các cơ quan nhà nước cho thuê trụ sở lấy tiền chia nhau trong nội bộ (dù quy định đã cấm) là khá phổ biến ở nhiều hình thức khác nhau, sao không xử tù hết thảy những cán bộ loại này đi.

Lẽ ra dư luận phải tập trung vào chuyện vì sao Nhà nước không đếm xỉa gì đến chứng cứ của nhân viên của PCI từng khai đã hối lộ cho ông Sỹ với những khoản tiền rất cụ thể; vì sao cáo trạng không một dòng nào nói chuyện này; còn nếu đây là một vụ án khác, thì bao giờ đem ra xử; có gọi nhân chứng từ Nhật sang không; việc dịch các tài liệu do Nhật cung cấp đến đâu rồi, nội dung có làm sáng tỏ được vấn đề gì không… Nếu không làm rõ những chuyện đó mà chỉ bàn tán bản án hiện tại của ông Sỹ là quá nhẹ, thì quá lắm là có kháng nghị của Viện Kiểm sát Nhân dân TPHCM tăng án với ông Sỹ là cùng – chẳng giải quyết được mấu chốt của vụ này.

Đây là một giai đoạn đáng buồn vì nạn phân biệt “lề phải”, “lề trái” mà lỗi xét cho cùng do các cán bộ quản lý nhà nước với tầm nhìn hạn hẹp đã đẩy nhiều người ra thành hai phía. Theo tôi, không nên dùng khái niệm “lề phải”, “lề trái” nữa vì như thế hóa ra chúng ta tiếp tay cho cái sai. Một ý kiến đúng đắn sẽ được mọi người chấp nhận chứ không phải vì nó nằm bên lề nào.

Thursday, October 1, 2009

Tìm biện pháp mới

Tìm biện pháp mới

Không chỉ riêng ở Việt Nam, hiện nay nhiều nước cũng đang cân nhắc hiệu quả của các biện pháp kích thích kinh tế trước khi tiếp tục sử dụng chúng trong năm tới. Mặc dù ý kiến của các nhà kinh tế còn khác nhau, những kết luận ban đầu của họ rất đáng tham khảo.

Hiệu quả còn tùy

Để đánh giá tác dụng của gói “kích cầu”, người ta thường dùng khái niệm “số nhân tài khóa” để tính xem những biện pháp cắt giảm thuế hay tăng chi tiêu chính phủ sẽ làm tăng tổng sản lượng bao nhiêu lần. Nếu số nhân này bằng 1, có nghĩa một đồng chi thêm sẽ làm tăng GDP thêm một đồng. Theo tờ Economist, số nhân tài khóa phụ thuộc vào nhiều yếu tố kinh tế khác nhau. Ví dụ, với nền kinh tế đang vận hành hết công suất, số nhân tài khóa sẽ bằng 0 vì lúc đó mức tăng cầu của chính phủ sẽ làm giảm chi tiêu ở khu vực khác. Còn ở thời điểm kinh tế suy giảm, tăng chi tiêu tài khóa có thể làm tăng cầu nói chung. Nếu vốn kích cầu khởi động một hiệu ứng chi tiêu khác, từ doanh nghiệp đến người tiêu dùng thì số nhân sẽ lớn hơn 1.

Cách “kích cầu” cũng sẽ tạo hiệu ứng khác nhau. Miễn giảm thuế có thể không hiệu quả bằng việc chính phủ bỏ tiền ra xây một cây cầu, chẳng hạn vì tiền thuế được miễn giảm có thể biến thành tiền để dành chứ không được đưa vào lưu thông. Miễn giảm thuế cho người thu nhập thấp hiệu quả hơn miễn giảm thuế cho người giàu vì người ít tiền sẽ phải chi tiêu ngay số tiền được nhà nước “thối lại” cho các nhu cầu trước mắt.

Quan trọng hơn, yếu tố tâm lý và kỳ vọng của người dân đóng vai trò then chốt trong việc “kích cầu” sao cho có hiệu quả cao nhất. Chính phủ chi tiêu cho “kích cầu” ắt lãi suất phải tăng, nếu đúng thế thì đầu tư từ khu vực tư nhân sẽ giảm; còn nếu người ta tin vào tác động tích cực của các gói kích thích kinh tế, tiêu dùng và đầu tư sẽ tăng để đưa nền kinh tế vượt qua suy thoái.

Cũng theo tờ Economist, quan sát số liệu thống kê cho thấy “kích cầu” tỏ ra hiệu quả ở những nước có nền kinh tế đóng nhiều hơn những nước có nền kinh tế mở vì tiền kích cầu ít rơi vãi ra bên ngoài thông qua hàng nhập khẩu. Đóng và mở ở đây được đo lường bằng quy mô xuất nhập khẩu của nền kinh tế đó so với GDP. “Kích cầu” cũng tạo ra hiệu ứng lớn hơn ở những nước có quy mô kinh tế lớn vì ở nước nhỏ, nhà đầu tư dễ bỏ cuộc hơn và vì thế lãi suất dễ tăng nhanh hơn.

Còn theo GS Willem Buiter viết trên tờ Financial Times, để các biện pháp kích thích kinh tế thông qua chính sách tài khóa có hiệu quả, cần đáp ứng một số điều kiện. Thứ nhất, nền kinh tế phải đang dư thừa công suất, tức công nhân đang thiếu việc làm, nhà máy tạm ngưng hoạt động. Thứ hai, đã sử dụng hết các biện pháp kích cầu khác, thông qua chính sách tiền tệ, như đã hạ lãi suất đến hết mức. Thứ ba, chính sách tài khóa không được làm tăng lãi suất. Thứ tư, các biện pháp áp dụng không chèn ép các khu vực khác, tức chi tiêu của nhà nước không thế chỗ cho chi tiêu của người dân hay doanh nghiệp.

Với Việt Nam thì sao?

Cho đến nay vẫn chưa có những đánh giá chính thức mang tính định lượng hiệu quả của các biện pháp kích cầu mà Việt Nam đã áp dụng từ đầu năm đến nay ngoài số dư các khoản vay có hỗ trợ lãi suất (theo Ngân hàng Nhà nước, dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất đến ngày 24-9-2009 là 404.256,10 tỷ đồng). Thật ra đây là điều khó bởi không ai có thể tính toán được mức tăng trưởng GDP hiện nay có bao nhiêu phần trăm là nhờ “kích cầu”; hay nói cách khác, nếu không có các gói kích cầu, liệu GDP có tăng trưởng như bây giờ và thất nghiệp liệu có giữ như mức hiện nay.

Tuy nhiên, đối chiếu những kết luận ban đầu nói trên với tình hình kinh tế Việt Nam, có thể thấy các điều kiện để tiếp tục “kích cầu” chưa thật sự chín muồi. Lãi suất hiện đang có xu hướng tăng bởi nỗi lo lạm phát quay trở lại vẫn còn đó. Chỉ số tiêu dùng tháng 9-2009 so với đầu năm lên đến 4,11% và chỉ số này của cả chín tháng đầu năm nay so với chín tháng đầu năm ngoái đã là 7,64%. Hơn nữa, lãi suất trái phiếu chính phủ cũng sẽ phải tăng nếu muốn các đợt phát hành sắp tới thành công và như thế sẽ đẩy mặt bằng lãi suất lên một mức mới. Việt Nam là một nền kinh tế mở vì tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hiện ở mức tương đương 173% GDP, nếu kích cầu mà xuất khẩu vẫn tiếp tục suy giảm, lượng hàng tồn kho ắt sẽ tiếp tục tăng hơn mức hiện nay trong khi hàng nhập khẩu sẽ làm cho tiền kích cầu rò rỉ ra bên ngoài.

Cái khó là không thể triển khai các biện pháp tiền tệ vì nới lỏng tín dụng hay giảm lãi suất cơ bản sẽ càng làm cho lạm phát nhanh chóng bùng phát trở lại.

Vì thế, thay cho một gói kích cầu thứ hai ở dạng hỗ trợ lãi suất, dù ở mức 4% hay chỉ là 2% mà hiệu quả chưa rõ ràng, nên thay bằng một số biện pháp khác. Đầu tiên là mạnh dạn cắt giảm thuế VAT cho nhiều mặt hàng thiết yếu cho cuộc sống hàng ngày. Đây là cách kích cầu trực tiếp nhất, lại có lợi cho người tiêu dùng có thu nhập thấp. Việc cắt giảm thuế VAT phải hạn định vào một khoảng thời gian ngắn, cụ thể để người dân buộc lòng phải chi tiêu để hưởng lợi từ chính sách và doanh nghiệp bán được hàng tồn kho. Nếu không hạn định thời gian, người tiêu dùng có thể sẽ trì hoãn việc chi tiêu vào lúc khác. Tương tự với doanh nghiệp, nên miễn giảm thuế cho những khoản đầu tư hiện tại để kích thích đầu tư tư nhân.

Trong các gói kích cầu đã công bố có những khoản dành cho đầu tư hạ tầng nhưng mức độ triển khai không đạt kế hoạch. Tập trung vào các khoản chi tiêu vào các công trình hạ tầng vừa có tác dụng kích thích kinh tế, tạo công ăn việc làm, vừa giúp tháo gỡ những nút thắt cổ chai như tắt nghẽn giao thông, thiếu cầu. Một gợi ý của GS Willem Buiter có thể áp dụng cho Việt Nam: đó là phát hành trái phiếu chính phủ với lãi suất gắn với mức tăng trưởng GDP cộng thêm một số điểm phần trăm nào đó.

Cryptocurrency

  Phép thử tiền crypto   Không biết hãng Finder khảo sát ở đâu, với ai mà kết luận đến 41% dân Việt Nam có sở hữu tiền mã hóa (cryptocur...