Tuesday, May 19, 2009

Khi nguon tin noi sai

Nguồn tin nói sai, làm sao xử lý?

Lâu lắm rồi tôi có viết một bài cho các phóng viên trẻ khi họ thắc mắc, lỡ như nguồn tin nói sai, phóng viên phải làm gì. Bài này tôi đăng lại ở bên dưới.

Lý do làm tôi nhớ lại bài này là vì sáng nay, đọc báo thấy có nhiều báo đưa tin rất lạ. Ví dụ, báo Pháp luật TPHCM rút tít: “Bô-xít – Quốc hội chắc chắn sẽ ủng hộ chủ trương khai thác”. Báo Người Lao động rút tít phụ: “Quốc hội ủng hộ chủ trương khai thác bauxite Tây Nguyên”. VnExpress cũng rút tít để trong ngoặc: “Quốc hội ủng hộ chủ trương khai thác bô xít ở Tây Nguyên”. Vietnamnet mở tin bằng câu: “Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn, Quốc hội hoàn toàn ủng hộ chủ trương khai thác bô-xít”.

Quốc hội thì mãi tận thứ Tư này mới khai mạc kỳ họp thứ 5, làm sao mới thứ Hai, ông Đàn có thể nói chắc ăn như vậy. Rõ ràng đây là một trường hợp nguồn tin nói chưa chính xác, vậy phóng viên nên xử lý như thế nào?

Đầu tiên, ngay tại cuộc họp báo, sau khi có phát biểu này, phóng viên phải hỏi tiếp, ông Đàn là Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, tức là nơi giúp việc cho Quốc hội sao cho mọi hoạt động của Quốc hội diễn ra trôi chảy, ông Đàn cũng chỉ là một đại biểu Quốc hội, làm sao ông có thể nói thay cho tất cả các đại biểu khác được. Quốc hội chưa họp, làm sao ông Đàn có thể khẳng định một điều chưa diễn ra?

Nếu không có điều kiện hỏi lại cho rõ, khi viết tin, phóng viên phải ghi rõ bối cảnh câu phát biểu, khi rút thành tít phải làm sao cho người đọc biết ngay đây là ý kiến của ông Đàn chứ không phải của Quốc hội. Sau khi trích dẫn câu phát biểu đó, phóng viên nên bổ sung thông tin nền về chức danh của ông Đàn, một câu về nhiệm vụ của Văn phòng Quốc hội và trường hợp tốt nhất là nên phỏng vấn một hai đại biểu để xem họ nghĩ gì về việc này. Nếu họ bày tỏ sự đồng ý với ông Đàn, phóng viên cũng phải ghi ra nhưng hỏi thêm ý kiến của họ đã được tập hợp lại như thế nào cho ông Đàn hay chưa ai hỏi ý kiến họ một cách chính thức. Xử lý tin này không khéo, các đại biểu lại trách báo chí viết sai, viết bậy thì oan cho phóng viên lắm.

Và đây là bài viết cũ:

Chuyện thực tế: Phóng viên trích lời một doanh nghiệp cho rằng cần phải học kinh nghiệm của những công ty như Yahoo! và viết: “Yahoo!, nhà cung cấp dịch vụ Internet hàng đầu thế giới, có doanh số hàng năm gần 80 tỷ USD.” Biên tập viên nói câu này sai vì Yahoo! không phải làm dịch vụ Internet, và giá trị cổ phiếu của công ty này vào khoảng 30-35 tỷ USD chứ không phải là doanh số. Phóng viên thắc mắc, nhưng đây là phát biểu của doanh nghiệp và đoan chắc mình ghi đúng.

Vấn đề: Nếu phóng viên biết nguồn tin của mình đang nói sai, phải xử lý những thông tin sai như thế nào trong bản tin của mình. Phóng viên có quyền sửa sai cho lời trích hay không?

Để dễ theo dõi, chúng ta có thể chia phát ngôn của nguồn tin ra thành hai dạng – cung cấp sự kiện thuần tuý và phát biểu ý kiến riêng.

Trong trường hợp nguồn tin cung cấp sự kiện, phóng viên phải luôn luôn kiểm chứng, đối chiếu để tin chắc sự kiện nêu ra là chính xác. Nếu nguồn tin nói sai, phóng viên phải biết hoặc chỉnh sửa cho nguồn tin, hoặc không đưa thông tin sai vào bài viết hoặc đưa vào nhưng thêm những thông tin đúng từ những nguồn tin chính xác hơn.

Doanh nghiệp nào cũng thích mình là người đầu tiên làm ra sản phẩm này, cung ứng dịch vụ nọ dường như vì họ cũng biết biên tập viên thích từ đầu tiên. Cần cảnh giác trước từ này. Chỉ dùng khi đã kiểm chứng và tin chắc nó chính xác. Cũng cần cảnh giác trước các thông số thị phần mà doanh nghiệp thường nêu là sản phẩm của họ đang chiếm giữ. Người phóng viên nếu chuyên trách sâu lãnh vực mình theo dõi sẽ dễ dàng nhận ra những lời nói phóng đại.

Nhận thông báo báo chí của một công ty vừa nhận chứng nhận ISO 9000, phóng viên biết mười mươi là công ty này sai khi cho rằng họ là doanh nghiệp đầu tiên trong lãnh vực ngân hàng nhận giấy chứng nhận này. Đừng vì sự hấp dẫn của tin, đừng để tin có khả năng chọn đăng làm bạn cố tình đưa chi tiết sai này vào tin.

Trường hợp nguồn tin cung cấp sự kiện sai không có chủ ý như chuyện Yahoo! nói trên, phóng viên nếu có điều kiện kiểm chứng thì phải mạnh dạn chỉnh sửa cho nguồn tin để ý nghĩa phát biểu của họ không thay đổi mà mang tính thuyết phục cao hơn. Trong trường hợp này, doanh nhân nêu chuyện Yahoo! chỉ để nhắc nhở Việt Nam nêu chú ý đến kỹ thuật kinh doanh dựa vào Internet đang phát triển với tốc độ chóng mặt. Nếu không có điều kiện kiểm chứng tìm ra số đúng, phóng viên vẫn có thể thay đổi cách tường thuận để tránh nói chuyện Yahoo! nhưng vẫn nêu được ý trên.

Tương tự, khi chúng ta đi phỏng vấn người dân địa phương, một lão nông ít học, đừng cố ý chứng tỏ mình biết ghi nhận thực tế phong phú bằng cách trích những câu phát biểu ngô nghê, sai ngữ pháp, đầy từ địa phương vào tin. Làm vậy, người đọc sẽ bị phân tâm và chủ đích tin sẽ bị sai lạc. Dĩ nhiên nếu bạn đang viết một phóng sự mà phương ngữ là chủ đề chính thì đó là chuyện khác.

Ngay cả khi nói chuyện với các quan chức, các nghệ sĩ hay những nhân vật nổi tiếng khác, phóng viên cũng không nên ghi lại nguyên văn những tiếng ề à, những câu thiếu chủ ngữ, những chỗ “buộc miệng” mà nói của nguồn tin. Nghệ thuật ghi lại cuộc phỏng vấn là làm sao khi nguồn tin đọc bài trên báo có thể gật gù nói,” Đây không hẳn là những gì tôi nói nhưng chính là điều tôi muốn nói.”

Việc trích nguồn tin nói sai Tam Kỳ thuộc Đà Nẵng chỉ có ý nghĩa khi phóng viên đang viết bài phê phán sự kém hiểu biết của học sinh, của một quan chức không sát thực tế hay của một chương trình đố vui ra đề sai, chẳng hạn. Ngoài ra không có lý gì người phóng viên, dù biết sai, vẫn ghi chép và trích dẫn với biện minh,” Đấy là ông ta nói, chứ đâu phải tôi.”

Trường hợp thứ hai, khi nguồn tin phát biểu ý kiến riêng thì sự việc có hơi phức tạp hơn một chút.

Tòa soạn bạn và chính bạn đang cổ súy cho dự thảo sửa đổi Luật Đầu tư Nước ngoài theo hướng thông thoáng hơn, gần với thông lệ quốc tế hơn để tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư nước ngoài. Một trong những điều sửa đổi đang được thảo luận là nên hay không nên bỏ nguyên tắt nhất trí 100% trong một số quyết định quan trọng của Hội đồng Quản trị liên doanh. Bạn cho rằng cần bỏ nguyên tắc này và thay vào đó là nguyên tắc biểu quyết theo đa số phiếu.

Thế nhưng bạn được phân công dự một buổi góp ý cho dự thảo luật mà người tham gia là phía Việt Nam trong các liên doanh. Dĩ nhiên những ông bà Phó Tổng giám đốc này cương quyết đề nghị không bỏ nguyên tắc này vì nó là vật hộ mệnh cuối cùng bảo vệ cho chỗ làm của họ. Là Phó Tổng giám đốc và là thành viên Hội đồng Quản trị, dù năng lực có yếu kém đến đâu cũng không sợ bị bãi miễn vì cách chức Tổng, Phó Tổng giám đốc là quyết định cần có sự nhất trí 100%. Có ai tự bỏ phiếu, sa thải chính mình.

Bạn về báo lại toà soạn, chắc là không viết tin này được vì mọi ý kiến đều ngược với những gì bạn tin là đúng.

Không đưa tin, chính là bạn đang vi phạm quy chế nghề nghiệp, đang cố tình che dấu thông tin, dù bạn có đánh giá tin có tác dụng không tốt. Trong trường hợp này, tốt nhất bạn vẫn tường thuật đầy đủ nhưng thêm những câu nền để người đọc hiểu được hậu ý đằng sau những phát biểu tại buổi thảo luận. Tốt hơn nữa bạn trích tóm tắt những cuộc thảo luận tương tự trước đó, khi ý kiến bỏ nguyên tắc nhất trí được ủng hộ và giải thích vì sao. Hoặc tại sao bạn không phỏng vấn những người chủ trì phiên thảo luận để có ý kiến của ban soạn thảo vì sao họ đưa vào dự thảo việc bỏ nguyên tắc nhất trí, vì sao không phỏng vấn người phát biểu, dùng suy nghĩ của bạn để chất vấn. Nếu họ giải thích hợp lý cũng phải phản ánh trung thực trên mặt báo; nếu họ giải thích với những sơ hở chứng tỏ họ chỉ muốn bảo vệ cho quyền lợi chính họ chứ không phải là quyền lợi của phía Việt Nam thì đây chính là trường hợp bạn cố tình đưa những phát biểu sai cho bạn đọc thấy.

Nói chung nhiệm vụ phóng viên là phản ánh đúng những gì nguồn tin nói dù bạn không thích lập luận “trái tai” của nguồn tin. Và cũng đừng nhảy xổm vào tin, phán xét như thể bạn là người có đầy đủ thẩm quyền để phán xét. Hãy chừa công việc đó cho nguồn tin có thẩm quyền khác hay những sự thật khác để người đọc có được bức tranh toàn diện về một vấn đề.

No comments:

Post a Comment

Cryptocurrency

  Phép thử tiền crypto   Không biết hãng Finder khảo sát ở đâu, với ai mà kết luận đến 41% dân Việt Nam có sở hữu tiền mã hóa (cryptocur...