Monday, April 6, 2009

Obama va Krugman

Obama nhức đầu vì Krugman

Quốc Học

Trước khi nhận giải Nobel Kinh tế năm 2008, GS Paul Krugman, Đại học Princeton, đã nổi tiếng nhờ các bài bình luận đăng trên tờ New York Times, đều đặn trong 10 năm qua. Hiện nay cột báo xuất hiện hai lần mỗi tuần của ông đang gây ra những cơn nhức đầu cho chính quyền Obama vì Krugman dùng nó để phê phán chính sách giải cứu kinh tế của Mỹ cũng như những cá nhân đằng sau chính sách này.

Với những người không thích hay ghen tị Paul Krugman, có khá nhiều dấu hiệu củng cố cho suy nghĩ của họ rằng ông đang bất mãn vì bị gạt ra rìa và đang tận dụng vị thế “trí thức công” của mình. Trả lời phỏng vấn tạp chí Newsweek, Krugman nói: “Chưa ai có cái loa to như tôi. Mọi chuyện thật tuyệt vời trừ việc thế giới đang rơi vào địa ngục”. Ngoài các bài báo trên New York Times, hiện ông là khách mời đắt giá của hàng loạt đài truyền hình và báo in. Thế nhưng dường như chính quyền Obama cố ý lảng xa Krugman. Ông thú nhận với Newsweek rằng Nhà Trắng hầu như không làm gì để vời ông tư vấn về chính sách. “Tôi chưa bao giờ gặp Obama; ông ta còn phát âm sai tên tôi nữa” – Krugman nói. Ấy là một dịp hiếm hoi trong một cuộc họp báo Obama hơi bực dọc bảo Krugman (với âm u chứ không phải âm ơ) có giỏi thì đưa ra kế hoạch tốt hơn để giải quyết hệ thống ngân hàng.

Trong khi đó, bạn đồng nghiệp từ hồi còn trẻ của ông là Larry Summers, nhỏ hơn ông một tuổi, lại có một sự nghiệp chính trị vững vàng, làm Bộ trưởng Tài chính thời Clinton, rồi sang làm Hiệu trưởng Harvard và bây giờ là nhà cố vấn kinh tế chính của Obama trong vai trò Giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia.

Thật ra, Paul Krugman không có tham vọng chính trị và không muốn tham chính. Tính cách nói thẳng, nói toạc móng heo của ông không phù hợp cho môi trường chính trị. Ông kể năm 1992 ông được mời tham gia một hội nghị kinh tế với Clinton sau khi Clinton đắc cử tổng thống. Clinton hỏi ông: “Có thể nào vừa cân đối ngân sách vừa cải tổ hệ thống y tế không?” Krugman trả lời không, không thể một lúc làm hai điều trái ngược này. Sau đó Clinton quay sang hỏi Laura Tyson, cũng là một nhà kinh tế, cùng câu hỏi đó và bà này khẳng định, làm được, chuyện đó không có gì khó. Sau đó Tyson được cử làm chủ tịch Hội đồng Cố vấn kinh tế cho Clinton còn Krugman quay về nghề dạy học.  

Có lẽ tính cách của ông đã định hình con đường nghề nghiệp của Krugman. Lúc nhỏ ông thường bị bạn bè trêu ghẹo là mọt sách. Mà ông mê sách thật, nhất là các truyện khoa học giả tưởng của Isaac Asimov. Ông tưởng tượng mình là chú bé mọt sách có sứ mệnh giải cứu loài người theo kiểu viết lên bảng một công thức và bảo loài người phải làm như vầy như vầy nếu không sẽ bị diệt vong, chìm đắm trong lối sống hoang dã cả ngàn năm tới. Chính ông nói với Newsweek ông thích các môn xã hội vì chúng hứa hẹn những gì khoa học viễn tưởng đem lại: bấm nút và giải quyết các vấn đề cho xã hội. Năm 29 tuổi ông đã được mời vào Hội đồng Cố vấn kinh tế dưới thời Reagan cùng lúc với Larry Summers nhưng sau đó quay về nghề dạy học tại các trường nổi tiếng như Yale, MIT, Stanford và Princeton. Thậm chí năm 1999, suýt nữa ông từ chối lời mời viết bình luận cho New York Times vì e rằng quá quan tâm đến các vấn đề thời sự sẽ làm ông mất cơ hội đoạt giải Nobel.

Thật vậy, giải Nobel năm ngoái là trao cho công trình ông viết cách đây cả 30 năm về thương mại quốc tế và địa kinh tế. Bây giờ ông không còn nghiên cứu kinh tế nữa mà tập trung vào vai trò một trí thức phản biện như ông tự nhận trên blog của ông mang tên “Lương tâm của một nhà cấp tiến”.  

Từ lúc nhận lời làm bình luận viên kinh tế cho New York Times, Krugman đã mở rộng sang cả đề tài chính trị, đầu tiên là chỉ trích nặng nề chính sách đem quân sang Iraq của tổng thống Bush. Ông kể New York Times gợi ý ông nên giảm bớt sức nóng các bài báo và chỉ nên xoáy vào những gì thuộc chuyên môn của ông. Với nền chính trị hiện tại, thoạt tiên ông ủng hộ Hillary Clinton và không thích Obama cho lắm vì ông cho rằng kế hoạch cải tổ ngành y tế của Obama không khả thi. Thật ra phải hiểu Krugman là người theo xu hướng dân chủ cho nên những phê phán của ông đối với chính sách Obama là về chi tiết chứ không phải về chủ trương. Ví dụ ông phản đối việc Obama vẫn cố gắng cứu lấy hệ thống ngân hàng bằng cách bơm tiền mua lại nợ xấu. Ông cho rằng cần “quốc hữu hóa” những ngân hàng lớn yếu kém, từ đó mới xây dựng chúng và sau này “tư nhân hóa” trở lại. Ông nặng lời về Bộ trưởng Tài chính Tim Geithner, cho rằng ông này và bộ sậu ở đó là công cụ của giới tài phiệt Wall Street.

Những người phê bình cách tiếp cận của Krugman cho rằng viết như ông thì dễ vì nếu có sai thì chỉ mất độc giả. Còn giả thử một chính sách thiết kế sai có thể làm sụp đổ thị trường. Chẳng hạn Obama lấy đâu ra người để điều hành trực tiếp hệ thống ngân hàng rất phức tạp của Mỹ nếu quốc hữu hóa chúng.  

Khi Newsweek hỏi ông liệu có sẵn sàng tham chính, Krugman nói ông không phải là loại người ngồi sau màn tư vấn cho chính khách. Bởi ông cho rằng mình là người bi quan bẩm sinh, kẻ nổi loạn bẩm sinh đang có “tiếng nói”. Đó là là vũ khí gây nhức đầu nhưng cần thiết của một trí thức như Paul Krugman.

 

 

No comments:

Post a Comment

Cryptocurrency

  Phép thử tiền crypto   Không biết hãng Finder khảo sát ở đâu, với ai mà kết luận đến 41% dân Việt Nam có sở hữu tiền mã hóa (cryptocur...